Khí dầu mỏ hóa lỏng có tên tiếng Anh là Liquefied Petroleum Gas (được viết tắt là LPG) và chúng ta thông thường hay gọi là khí gas. Với ưu điểm là cho nhiệt lượng cao, sạch, không sinh khí độc hại nên từ lâu, trong sinh hoạt hàng ngày của người dân, khí LPG đã trở thành một mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống hàng ngày. Tuy nhiên, với đặc tính là chất sinh ra nhiệt lượng cao lại tiềm ẩn nguy cơ phát nổ lớn hoặc cháy mạnh nên các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh LPG phải đáp ứng những yêu cầu rất khắt khe, với nhiều loại giấy phép đặc thù.
Mặc định rằng các doanh nghiệp khi kinh doanh LPG đều được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp, …) với ngành nghề là kinh doanh LPG. Đồng thời, các doanh nghiệp sẽ phải đáp ứng các yêu cầu về an ninh trật tự và phòng cháy chữa cháy. Và bài viết này sẽ chỉ mang mục đích giới thiệu một cách tổng quát những giấy phép cần phải có trong hoạt động kinh doanh LPG, và tất nhiên còn phải tùy thuộc xem doanh nghiệp đó muốn hoạt động trọn gói cả một quy trình từ xuất nhập khẩu tới phân phối hay chỉ đơn thuần là thực hiện phân phối khí LPG.
Đầu tiên là Giấy chứng nhận đủ điều kiện cửa hàng bán lẻ LPG chai. Đây là loại giấy phép dành cho các cửa hàng, điểm bán LPG chai tới tay người tiêu dùng, thường thuộc về các hộ kinh doanh cá thể độc lập nằm trong các khu dân cư, hoặc thuộc về một hệ thống cửa hàng bán lẻ thuộc một doanh nghiệp phân phối LPG. Để được cấp phép, cửa hàng phải xuất trình được Hợp đồng với thương nhân kinh doanh LPG đủ điều kiện và đáp ứng các điều kiện về phòng cháy chữa cháy.
Tiếp theo là Giấy chứng nhận đủ điều kiện thương nhân kinh doanh LPG dành cho các doanh nghiệp chịu trách nhiệm phân phối LPG chai tới cho các cửa hàng bán lẻ độc lập hoặc các cửa hàng/điểm kinh doanh thuộc hệ thống phân phối của mình. Thương nhân kinh doanh LPG có thể được coi là một dạng tổng đại lý khi có sở hữu một lượng chai chứa LPG mang thương hiệu của mình, có kho chứa LPG và có bồn chứa khí LPG. Để được cấp phép, thương nhân kinh doanh LPG phải xuất trình các tài liệu chứng minh sự an toàn của bồn chứa khí LPG, chất lượng của các chai chứa khí LPG (đảm bảo kiểm định và hợp quy) và các điều kiện về an toàn phòng cháy chữa cháy.
Để có thể chiết nạp khí LPG từ các bồn chứa khí (dung tích thông thường là 25-50 tấn/bồn) sang các chai chứa khí LPG (thường được biết đến dưới dạng chai 12kg hoặc 45kg) thì phải thông qua một hệ thống chiết nạp. Các thương nhân đầu mối có thể sở hữu một hoặc một số trạm nạp LPG hoặc ký Hợp đồng thuê nạp với các trạm nạp đủ điều kiện. Trạm chiết nạp LPG phải được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện nạp LPG vào chai. Khi xin cấp giấy phép, các trạm chiết nạp phải chứng minh được việc đầu tư xây dựng trạm nạp là tuân thủ các quy định của pháp luật đồng thời đáp ứng các yêu cầu và điều kiện về phòng cháy chữa cháy.
Với một số thương nhân kinh doanh LPG với quy mô lớn, ngoài việc sở hữu bồn chứa khí để chủ động và đảm bảo về nguồn cung cũng như chất lượng các chai chứa khí LPG có thể đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất, sửa chữa chai LPG. Các nhà máy này sẽ được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, sữa chữa chai LPG nếu đáp ứng được các điều kiện theo quy định của pháp luật. Trong đó, đặc biệt là phải cung cấp được quy trình an toàn về chế tạo, sửa chữa chai LPG; quy trình chế tạo một chai LPG điển hình (đã bao gồm cả tính toán bền); quy trình kiểm tra chất lượng sau chế tạo, sửa chữa; … Ngoài ra, vẫn phải đáp ứng các tiêu chí về an toàn phòng cháy chữa cháy.
Hiện nay, lượng khí LPG tại Việt Nam được xác định bởi 02 nguồn cung chính là khí LPG nội địa và LPG nhập khẩu. Một số ít thương nhân đầu mối có khả năng và điều kiện có thể ký các Hợp đồng nhập khẩu khí từ các đối tác ở các quốc gia như Thái Lan, Singapore hay Nhật Bản, … Và để có thể thực hiện nhập khẩu khí LPG thì các thương nhân này phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu LPG. Đối với các thương nhân này, ngoài các quy định về chai chứa khí, bồn chứa khí hoặc an toàn phòng cháy chữa cháy thì phải chứng mình được quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng một cầu cảng thuộc hệ thống cầu cảng của Việt Nam được cấp có thẩm quyền cho phép sử dụng.
Tại Việt Nam, các quy định về kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng chính thức được xiết chặt và chịu sự quản lý giám sát của cơ quan quản lý nhà nước từ năm 2007 khi Nghị định 117/2007/NĐ-CP ra đời. Cho tới nay, các điều kiện, thủ tục và giấy phép trong lĩnh vực kinh doanh LPG đã được điều chỉnh phù hợp hơn với thực tế, có những thủ tục đã được bãi bỏ, nhưng cũng không ít quy định được làm rõ và chặt chẽ hơn.
Để có thể tìm hiểu sâu hơn về lĩnh vực này, các doanh nghiệp có thể tìm đọc Nghị định 87/2018/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 15/6/2018 về Kinh doanh khí. Quý khách cần hỗ trợ hoặc tư vấn sâu hơn có thể liên hệ với Aladin Law Firm – Hotline 1900575773 để được trợ giúp tốt nhất!