Các quy định về Bảo hộ nhãn hiệu

Trang chủ > Tin tức pháp luật > Các quy định về Bảo hộ nhãn hiệu

1. Nhãn hiệu

- Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau.

- Dấu hiệu dùng làm nhãn hiệu phải là những dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình ảnh, hình vẽ hoặc sự kết hợp của các yếu tố đó được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc.

- Quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ hoặc công nhận đăng ký quốc tế theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

2. Mục đích của đăng ký bảo hộ nhãn hiệu

- Xác lập quyền sở hữu đối với nhãn hiệu.

- Bảo vệ nhãn hiệu khỏi hành vi xâm phạm của tổ chức, cá nhân khác.

- Tăng độ nhận diện nhãn hiệu với khách hàng

- Khai thác các lợi ích thương mại từ nhãn hiệu được bảo hộ như: Sử dụng nhãn hiệu cho sản phẩm, dịch vụ của mình; chuyển giao quyền sử dụng, quyền sở hữu nhãn hiệu…

3.  Quy trình đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam

a. Chuẩn bị hồ sơ:

- 02 Tờ khai đăng ký nhãn hiệu, đánh máy theo Phụ lục I – Mẫu số 08 Phụ lục kèm theo Nghị định số 65/2023/NĐ-CP.

- 05 Mẫu nhãn hiệu in màu kèm theo có kích thước 80mm x 80mm.

- Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí (trường hợp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của Cục Sở hữu trí tuệ).

- Hồ sơ khác (nếu có).

b. Nộp hồ sơ đăng ký Nhãn hiệu

Người nộp đơn có thể nộp đơn đăng ký nhãn hiệu trực tiếp hoặc qua dịch vụ của bưu điện đến một trong các điểm tiếp nhận đơn của Cục Sở hữu trí tuệ, cụ thể:

- Trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ, địa chỉ: 386 Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.

- Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại thành phố Hồ Chí Minh, địa chỉ: Lầu 7, tòa nhà Hà Phan, 17/19 Tôn Thất Tùng, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh.

- Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại thành phố Đà Nẵng, địa chỉ: Tầng 3, số 135 Minh Mạng, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng.

- Trường hợp nộp hồ sơ đơn đăng ký nhãn hiệu qua bưu điện, người nộp đơn cần chuyển tiền qua dịch vụ của bưu điện, sau đó phô tô Giấy biên nhận chuyển tiền gửi kèm theo hồ sơ đơn đến một trong các điểm tiếp nhận đơn nêu trên của Cục Sở hữu trí tuệ để chứng minh khoản tiền đã nộp.

*Lưu ý: Khi chuyển tiền phí, lệ phí đến một trong các điểm tiếp nhận đơn nêu trên của Cục Sở hữu trí tuệ, người nộp đơn cần gửi hồ sơ qua bưu điện tương ứng đến điểm tiếp nhận đơn đó.

c. Phí, lệ phí đăng ký nhãn hiệu

- Lệ phí nộp đơn: 150.000VND.

- Phí công bố đơn: 120.000VND.

- Phí tra cứu phục vụ thẩm định nội dung: 180.000VNĐ/01 nhóm sản phẩm, dịch vụ.

- Phí tra cứu cho sản phẩm, dịch vụ thứ 7 trở đi: 30.000VNĐ/01 sản phẩm, dịch vụ.

- Phí thẩm định nội dung: 550.000VNĐ/01 nhóm sản phẩm, dịch vụ.

- Phí thẩm định nội dung cho sản phẩm/dịch vụ thứ 7 trở đi: 120.000VNĐ/01 sản phầm, dịch vụ.

d. Quy Trình xử lý đơn đăng ký nhãn hiệu tại Cục Sở Hữu Trí Tuệ

Kể từ ngày được Cục Sở hữu trí tuệ tiếp nhận, đơn đăng ký nhãn hiệu được xem xét theo trình tự sau:

  1. Thẩm định hình thức đơn: 01 tháng kể từ ngày nộp đơn.
  2. Công bố đơn: trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày đơn đăng ký nhãn hiệu có Quyếtđịnh chấp nhận đơn hợp lệ.
  3. Thẩm định nội dung: không quá 09 tháng, kể từ ngày công bố đơn.
  4. Ra quyết định cấp/từ chối cấp Văn bằng bảo hộ: Trường hợp đơn đăng ký nhãn hiệu đủ điều kiện bảo hộ, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra thông báo cấp giấy chứng nhận đăng ký cho chủ sở hữu, chủ đơn nộp phí theo yêu cầu và nhận Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu:
  • Phí xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu:
  • Phí cấp cho nhóm thứ nhất: 360.000 VND
  • Phí cấp cho nhóm thứ 2 trở đi: 160.000 VND/nhóm
  • Thời hạn cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu: Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày người nộp đơn nộp đầy đủ và đúng hạn các khoản phí và lệ phí, Cục Sở hữu trí tuệ tiến hành thủ tục cấp văn bằng bảo hộ

*Lưu ý: Thời hạn bảo hộ nhãn hiệu trong vòng 10 năm kể từ ngày nộp đơn (ngày ưu tiên). Cá nhân, tổ chức được quyền gia hạn văn bằng bảo hộ và được gia hạn nhiều lần liên tiếp, mỗi lần 10 năm đối với toàn bộ hoặc một phần danh mục hàng hóa, dịch vụ.