[VOV2] – Ngày 27/11/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 137 về quản lý, sử dụng pháo. Nghị định với nhiều điểm mới đã tạo ra sự quan tâm đặc biệt của dư luận.
Phóng viên VOV2 đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Văn Bình – Giám đốc Công ty Luật ALadin:
PV: Thưa luật sư Nguyễn Văn Bình!
Trước đây, vào những dịp ma chay, cưới hỏi, lễ tết, người dân chúng ta vẫn thường đốt pháo, với quan niệm tiếng pháo nổ, sắc pháo rơi sẽ mang đi đen đủi, mang tới may mắn và niềm vui cho mọi người nhưng đã nhiều năm nay thì đã không có tiếng pháo trong những dịp như vậy nữa. Luật sư có thể cho thính giả được biết là ở nước ta có những quy định nào về việc cấm mua và bán các loại pháo?
Luật sư trả lời:
Người Việt Nam ta từ xưa có phong tục sử dụng pháo hoa, pháo nổ vào những dịp ma chay, cưới hỏi, lễ tết với nhiều mong muốn và ý nghĩa khác tốt đẹp. Tuy nhiên, đã có rất nhiều trường hợp không đảm bảo được tính an toàn trong quá trình sản xuất, vận chuyển, sử dụng pháo hoa, pháo nổ dẫn đến những cháy nổ, tai nạn gây thiệt hại nặng nề về tài sản, sức khỏe và cả tính mạng con người. Do đó, các cơ quan Nhà nước đã ban hành những văn bản pháp luật có quy định về lĩnh vực này từ việc sản xuất, mua bán, sử dụng và các chế tài xử lý vi phạm. Trong đó, có những văn bản pháp luật đang hiện hành như:
– Văn bản đầu tiên phải nói đến là Chỉ thị số 406-TTg ngày 8/8/1994 của Thủ tướng Chính phủ về việc cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo;
– Thông tư liên ngành số 01/TTLN ngày 25/11/1996 của Bộ Nội vụ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn xử lý hình sự các hành vi sản xuất, vận chuyển, mua bán và đốt pháo nổ;
– Sau đó là Nghị định số 36/2009/NĐ-CP ngày 15/4/2009 của Chính phủ về Quản lý, sử dụng pháo;
– Thông tư số 08/2010/TT-BCA của Bộ Công an quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 36/2009/NĐ-CP ngày 15/4/2009 về Quản lý, sử dụng pháo;
– Nghị định số 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ Quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Phòng chống tệ nạn xã hội; Phòng cháy và chữa cháy; Phòng, chống bạo lực gia đình;
– Các Bộ Luật hình sự năm 1999 và 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017);
Vừa qua, ngày 27/11/2020 Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 137/2020/NĐ-CP về Quản lý, sử dụng pháo sẽ có hiệu lực vào ngày 11/01/2021 và có rất nhiều điểm mới trong quy định về quản lý, sử dụng pháo.
PV: Thưa Luật sư, với sự ra đời của nghị định 137 của Chính phủ thì việc sử dụng được quy định như nào?
Luật sư trả lời:
Theo Nghị định 137/2020/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 27/11/2020 về Quản lý, sử dụng pháo sẽ có hiệu lực vào ngày 11/01/2021 có quy định về Quản lý, sử dụng pháo có phân chia các loại pháo như sau:
+ Thứ nhất là Pháo nổ, trong đó gồm Pháo nổ thông thường và Pháo hoa nổ;
+ Thứ hai là Pháo hoa.
Như vậy, chúng ta có thể hiểu chung là có 03 loại pháo, gồm: Pháo nổ thông thường, Pháo hoa nổ và Pháo hoa. Mỗi loại pháo trên có quy định về việc sử dụng khác nhau, cụ thể:
+ Pháo nổ thông thường: Bị nghiêm cấm nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc chiếm đoạt.
+ Đối với Pháo hoa nổ: Theo quy định Điều 11, Điều 12 của Nghị định 137/2020/NĐ-CP thì pháo hoa nổ chỉ có thể được tổ chức sử dụng trong những dịp như: Tết Nguyên đán; Giỗ Tổ Hùng Vương; Ngày Quốc khánh; Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ; Ngày Chiến thắng (30/04); Kỷ niệm ngày giải phóng, ngày thành lập các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Sự kiện văn hóa, du lịch, thể thao mang tính quốc gia, quốc tế hoặc trường hợp khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định khi và chỉ khi được cơ quan có thẩm quyền cho phép.
+ Đối với Pháo hoa: Căn cứ quy định tại Điều 17 của Nghị định 137/2020/NĐ-CP về thì các cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa trong các trường hợp sau: Lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật.
PV: Thưa Luật sư, anh có thể phân tích rõ hơn người dân có được đốt pháo hoa nổ hay chỉ đốt pháo hoa?
Luật sư trả lời:
Trước đây, Nghị định số 36/2009/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 15 tháng 04 năm 2009 về quản lý, sử dụng pháo quy định về cách hiểu về pháo hoa và pháo nổ nhưng chưa có quy định về cách hiểu của pháo hoa nổ.
Hiện nay, Nghị định 137/2020/NĐ-CP đã có quy định chi tiết hơn cách hiểu về pháo hoa và pháo hoa nổ, cụ thể:
– Pháo hoa là sản phẩm có chứa thuốc pháo, được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ. gây ra phản ứng hóa học nhanh, mạnh, sinh khí, tạo ra hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, gây ra tiếng nổ là sản phẩm có chứa thuốc pháo hoa, khi có các tác động của các kích thích cơ, nhiệt, hóa, điện sẽ gây phản ứng hóa học tạo hiệu ứng ánh sáng có màu sắc, gây tiếng nổ hoặc không gây tiếng nổ.
– Pháo hoa nổ là sản phẩm có chứa thuốc pháo, được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra phản ứng hóa học nhanh, mạnh, sinh khí, gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian.
Theo quy định tại Nghị định 137 thì người dân chỉ được sử dụng pháo hoa thông thường, không phải là pháo hoa nổ.
PV: Như Luật sư đã vừa cho biết thì người dân (cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân) có năng lực hành vi dân sự đầy đủ sẽ được sử dụng pháo hoa trong trường hợp: lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa nghệ thuật. Vậy khi họ đốt pháo hoa vào đúng các dịp như quy định thì có phải đăng ký với chính quyền hay không?
Luật sư trả lời:
Điều 17 của Nghị định 137/2020/NĐ-CP thì trong các trường hợp: lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa nghệ thuật của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thì không cần phải đăng ký với chính quyền. Cần lưu ý về pháo hoa sẽ sử dụng (tránh nhầm lẫn với pháo hoa nổ), mua pháo hoạ tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa và đồng thời đảm bảo các điều kiện an toàn về cháy nổ để tránh xảy ra những hậu quả không đáng có.
PV: Chúng ta đều biết về việc cấm sử dụng, buôn bán pháo nổ đã được thực thi từ lâu rồi nhưng trong thực tế: vào những dịp tết ở đâu đó vẫn còn có những cá nhân mua bán mặt hàng này. Có lẽ là do lợi nhuận khiến họ đã bất chấp quy định của pháp luật. Vậy khi bị phát hiện họ sẽ bị pháp luật xử lý như thế nào, thưa Luật sư?
Luật sư trả lời:
Đối với hành vi mua bán pháo nổ, tùy vào mức độ vi phạm mà người thực hiện hành vi có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, cụ thể:
*Về xử phạt vi phạm hành chính:
– Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng và tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm đối với hành vi sản xuất, tàng trữ, mua, bán, vận chuyển trái phép pháo, thuốc pháo (điểm d khoản 4 và điểm a khoản 8 Điều 10 Nghị định 167/2013/NĐ-CP)
– Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng và tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm đối với hành vi mang vào hoặc mang ra khỏi lãnh thổ Việt Nam trái phép các loại pháo ( điểm b khoản 6 và điểm a khoản 8 Điều 10 Nghị định 167/2013/NĐ-CP)
* Về truy cứu trách nhiệm hình sự :
Căn cứ theo Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và Thông tư liên tịch 06/2008/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC, tùy vào mức độ vi phạm và số lượng vật phạm pháp để làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự mà người thực hiện hành vi mua bán pháo nổ có thể bị cứu trách nhiệm hình sự về các tội sau đây:
– Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ (quy định tại Điều 305 BLHS) với khung hình phạt tù từ 01 năm đến đến cao nhất là chung thân.
– Tội buôn lậu (quy định tại Điều 188 BLHS) với khung hình phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 15 năm.
– Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm (quy định tại Điều 190 BLHS) với khung hình phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến tối đa là 15 năm.
PV: Vậy còn những người sử dụng pháo nổ thì sao, thưa Luật sư? Họ sẽ bị xử phạt bằng những hình thức nào?
Luật sư trả lời:
Tương tự như hành vi mua bán pháo nổ, tùy vào tính chất, mức độ vi phạm người thực hiện hành vi sử dụng pháo nổ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, cụ thể như sau:
*Về xử phạt vi phạm hành chính:
Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng và tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm đối với hành vi sử dụng các loại pháo mà không được phép (điểm b, khoản 2 Điều 10 Nghị định 167/2013/NĐ-CP).
* Về truy cứu trách nhiệm hình sự :
Căn cứ theo Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và Thông tư liên tịch 06/2008/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC, tùy vào mức độ vi phạm và số lượng vật phạm pháp để làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự mà người thực hiện hành vi sử dụng pháo nổ có thể bị cứu trách nhiệm hình sự về các tội sau đây:
– Tội gây rối trật tự công cộng (quy định tại Điều 318 BLHS) với khung hình phạt từ phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng và có thể lên đến 07 năm.
– Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác (quy định tại Điều 134 BLHS) với khung hình phạt từ phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù có thể lên tới chung thân tùy thuộc vào mức độ vi phạm.
Xin trân trọng cảm ơn Luật sư Nguyễn Văn Bình – Giám đốc Công ty Luật ALadin./.
Nguồn: vov2.vov.vn