1. Định nghĩa ly hôn và ly hôn có yếu tố nước ngoài
Theo khoản 14 Điều 3 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định: “Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án.”
Tòa án là cơ quan duy nhất có thẩm quyền ra phán quyết chấm dứt quan hệ hôn nhân của vợ chồng. Phán quyết ly hôn của Tòa án thể hiện dưới hai hình thức là bản án hoặc quyết định.
Nếu hai bên vợ chồng thuận tình ly hôn, thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết tất cả các nội dung của quan hệ vợ chồng thì Tòa án công nhận và ra phán quyết dưới hình thức là quyết định. Nếu vợ chồng có mâu thuẫn, tranh chấp thì Tòa án ra phán quyết dưới dạng bản án ly hôn. Theo khoản 25 Điều 3 Luật hôn nhân và gia đình 2014 định nghĩa “Quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài là quan hệ hôn nhân và gia đình mà ít nhất một bên tham gia là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài; quan hệ hôn nhân và gia đình giữa các bên tham gia là công dân Việt Nam nhưng căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó theo pháp luật nước ngoài, phát sinh tại nước ngoài hoặc tài sản liên quan đến quan hệ đó ở nước ngoài.”
Theo Điều 127 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định ly hôn có yếu tố nước ngoài bao gồm các trường hợp cụ thể như sau:
– Ly hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài;
– Ly hôn giữa người nước ngoài với nhau thường trú ở Việt Nam khi họ có yêu cầu.
Trong trường hợp bên là công dân Việt Nam không thường trú ở Việt Nam vào thời điểm yêu cầu ly hôn thì việc ly hôn được giải quyết theo pháp luật của nước nơi thường trú chung của vợ chồng; Nếu họ không có nơi thường trú chung thì giải quyết theo pháp luật Việt Nam.
Việc giải quyết tài sản là bất động sản ở nước ngoài khi ly hôn tuân theo pháp luật của nước nơi có bất động sản đó.
2. Thẩm quyền giải quyết khi ly hôn có yếu tố nước ngoài
Nếu mâu thuẫn trong cuộc sống vợ chồng trở nên nghiêm trọng, khi không còn sự chia sẻ và mục tiêu hôn nhân không đạt được, các bên có quyền yêu cầu Tòa án xem xét cho phép ly hôn để chấm dứt mối quan hệ hôn nhân.
Căn cứ quy định tại điểm c khoản 1 Điều 37 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, trường hợp giải quyết việc ly hôn mà một bên đương sự là người nước ngoài thì thẩm quyền thuộc về Tòa án nhân dân cấp tỉnh giải quyết.
Trong trường hợp đặc biệt được quy định tại khoản 4 Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, nếu việc ly hôn diễn ra với công dân Việt Nam cư trú ở khu vực biên giới với công dân nước láng giềng cùng cư trú ở khu vực biên giới với Việt Nam thì thẩm quyền thuộc Tòa án nhân dân cấp huyện.
Theo Điều 39 Bộ Luật Tố tụng Dân sự năm 2015 về thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ thì thẩm quyền giải quyết các vụ việc ly hôn với người nước ngoài thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi mà bị đơn cư trú và làm việc. Nếu công dân Việt Nam sinh sống tại nước ngoài thì việc ly hôn sẽ được giải quyết theo pháp luật nơi cư trú chung của vợ chồng, hoặc nếu vợ chồng không có nơi cư trú chung thì sẽ giải quyết theo pháp luật Việt Nam.
3. Hồ sơ ly hôn có yếu tố nước ngoài
1. Bản chính Giấy chứng nhận kết hôn (nếu có), trong trường hợp mất bản chính Giấy chứng nhận kết hôn thì nộp bản sao có xác nhận sao y bản chính của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền;
2. Bản sao có công chứng hoặc chứng thực Giấy khai sinh của các con (nếu có con);
3. Bản sao chứng thực CMND/CCCD/hộ chiếu của vợ và chồng;
4. Bản sao chứng thực sổ hộ khẩu;
5. Đơn yêu cầu Tòa án nhân dân công nhận thuận tình ly hôn trong trường hợp thuận tình ly hôn hoặc đơn khởi kiện ly hôn đơn phương trong trường hợp ly hôn đơn phương.
6. Hồ sơ tài liệu chứng minh việc một bên đang ở nước ngoài (nếu có).
4. Các bước thực hiện thủ tục ly hôn có yếu tố nước ngoài
Bước 1: Nộp hồ sơ hợp lệ về việc xin ly hôn tại Tòa án có thẩm quyền.
Bước 2: Trong thời hạn 7-15 ngày, Tòa án kiểm tra hồ sơ, nếu hồ sơ đầy đủ và hợp lệ thì Tòa án sẽ gửi thông báo tạm ứng án phí.
Bước 3: Nộp tiền tạm ứng án phí dân sự tại Chi cục thi hành án dân sự có thẩm quyền và nộp biên lai tạm ứng án phí cho Tòa án.
Bước 4: Tòa án mở phiên hòa giải tại tòa và tiến hành thủ tục ly hôn tại Tòa theo thủ tục sơ thẩm.
Lưu ý: Pháp luật không yêu cầu đơn ly hôn phải thông qua hòa giải tại cơ sở (UBND xã, phường, Công đoàn cơ quan,…) Tuy nhiên, trên thực tế nhiều Tòa án vẫn bắt buộc có bước hòa giải này.
5. Thời hạn giải quyết ly hôn có yếu tố nước ngoài
Tùy vào từng vụ việc cụ thể mà thời hạn giải quyết khác nhau. Trên cơ sở luật định thì thời hạn chuẩn bị xét xử là từ 04 – 06 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án; Thời hạn mở phiên tòa từ 01 – 02 tháng kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử.
Trên đây là một số thông tin về thủ tục ly hôn có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam. Qua bài viết này, chúng ta đã có cái nhìn tổng quan về quy trình và các giấy tờ cần thiết để tiến hành thủ tục này.
Tuy nhiên, để đảm bảo rằng mọi thủ tục được thực hiện đúng quy định và thành công, cần tìm hiểu kỹ các quy định của pháp luật và hỏi ý kiến từ luật sư hoặc cơ quan chức năng có thẩm quyền. Việc ly hôn là một quá trình phức tạp và đòi hỏi sự tỉ mỉ, tập trung của các bên liên quan,việc có yếu tố nước ngoài trong thủ tục ly hôn càng làm gia tăng độ phức tạp và cần sự chú ý đặc biệt. Vì vậy, đừng ngần ngại tìm kiếm thông tin và tham vấn ý kiến trực tiếp tại các đơn vị uy tín về tư vấn pháp luật.