TƯ VẤN ĐĂNG KÝ QUYỀN TÁC GIẢ ĐỐI VỚI TÁC PHẨM MỸ THUẬT ỨNG DỤNG

Trang chủ > Thư viện pháp luật > TƯ VẤN ĐĂNG KÝ QUYỀN TÁC GIẢ ĐỐI VỚI TÁC PHẨM MỸ THUẬT ỨNG DỤNG

Tác phẩm mỹ thuật ứng dụng là một trong những loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả. Tác phẩm mỹ thuật ứng dụng là tác phẩm được thể hiện bởi đường nét, màu sắc, hình khối, bố cục với tính năng hữu ích, có thể gắn liền với một đồ vật hữu ích, được sản xuất thủ công hoặc công nghiệp như: Thiết kế đồ họa (hình thức thể hiện của biểu trưng, hệ thống nhận diện và bao bì sản phẩm), thiết kế thời trang, tạo dáng sản phẩm, thiết kế nội thất, trang trí. Trong bài viết này Aladin Law Firm trình bày cơ chế bảo hộ quyền tác giả và tư vấn sơ bộ quy trình, thủ tục đăng ký quyền tác giả đối với tác phẩm mỹ thuật ứng dụng.

  1. Căn cứ pháp lý

– Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009;

– Nghị định số 22/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan;

– Thông tư số 08/2016/TT-BVHTTDL quy định các biểu mẫu trong hoạt động đăng ký quyền tác giả quyền liên quan;

– Thông tư số 211/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan.

  1. Điều kiện bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm mỹ thuật ứng dụng

– Tác phẩm mỹ thuật ứng dụng phải là kết quả của hoạt động sáng tạo.

– Phải được định hình dưới một hình thức vật chất nhất định (Định hình là sự biểu hiện bằng chữ viết, các ký tự khác, đường nét, hình khối, bố cục, màu sắc, âm thanh, hình ảnh hoặc sự tái hiện âm thanh, hình ảnh dưới dạng vật chất nhất định để từ đó có thể nhận biết, sao chép hoặc truyền đạt).

– Nếu tác phẩm mỹ thuật ứng dụng mới chỉ xuất hiện dưới dạng ý tưởng mà chưa được định hình thì sẽ không được bảo hộ.

  1. Chủ thể quyền tác giả đối với tác phẩm mỹ thuật ứng dụng

– Tác giả là người trực tiếp sáng tạo ra một phần hoặc toàn bộ tác phẩm gồm:

  • Cá nhân Việt Nam có tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả;
  • Cá nhân nước ngoài có tác phẩm được sáng tạo và thể hiện dưới hình thức vật chất nhất định tại Việt Nam;
  • Cá nhân nước ngoài có tác phẩm được công bố lần đầu tiên tại Việt Nam;
  • Cá nhân nước ngoài có tác phẩm được bảo hộ tại Việt Nam theo Điều ước quốc tế về quyền tác giả mà Việt Nam là thành viên.

– Chủ sở hữu quyền tác giả là tổ chức, cá nhân nắm giữ một, hoặc một số hoặc toàn bộ các quyền tài sản quy định trong luật sở hữu trí tuệ. Chủ sở hữu quyền tác giả có thể đồng thời là tác giả hoặc một người khác:

  • Những người giao nhiệm vụ cho tác giả hoặc giao kết hợp đồng sáng tạo tác phẩm mỹ thuật ứng dụng với tác giả.
  • Người được tác giả chuyển giao quyền tác giả hoặc được thừa kế quyền tác giả.
  1. Nội dung quyền tác giả đối với tác phẩm mỹ thuật ứng dụng

– Quyền nhân thân:

  • Đặt tên cho tác phẩm;
  • Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng;
  • Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm;
  • Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kì hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.

– Quyền tài sản:

  • Làm tác phẩm phái sinh;
  • Sao chép tác phẩm;
  • Phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm;
  • Truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kì phương tiện kĩ thuật nào khác;
  1. Thời hạn bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm mỹ thuật ứng dụng

Pháp luật Việt Nam bảo hộ vô thời hạn các quyền nhân thân của tác giả, trừ quyền công bố. Đối với quyền công bố và các quyền tài sản khác thì thời hạn bảo hộ quyền tác giả là suốt cuộc đời tác giả và năm mươi năm tiếp theo năm tác giả chết; trường hợp tác phẩm có đồng tác giả thì thời hạn bảo hộ chấm dứt vào năm thứ năm mươi sau năm đồng tác giả cuối cùng chết. Giả sử tác phẩm mỹ thuật ứng dụng bị khuyết danh, tức là không xác định được tác giả là ai thì thời hạn bảo hộ là bảy mươi lăm năm, kể từ khi tác phẩm được công bố lần đầu tiên. Hoặc khi các thông tin về tác giả xuất hiện thì thời hạn bảo hộ được tính theo thời hạn bảo hộ quyền tài sản thông thường.

  1. Trình tự, thủ tục đăng ký quyền tác giả đối với tác phẩm mỹ thuật ứng dụng

Hồ sơ gồm:

  • Tờ khai đăng ký quyền tác giả (Mẫu số 01);
  • CMND/CCCD/Hộ chiếu của tác giả và chủ sở hữu tác giả (nếu có) đối với cá nhân hoặc Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động đối với tổ chức là chủ sở hữu tác phẩm;
  • Quyết định giao việc cho tác giả hoặc tuyên bố tác giả về chủ sở hữu tác phẩm (nếu có);
  • 02 Bản in tác phẩm mỹ thuật;
  • Tuyên bố đồng tác giả trong trường hợp có từ 02 tác giả trở lên;
  • Giấy cam đoan của tác giả cam đoan tự sáng tạo ra tác phẩm và không sao chép của bất kỳ cá nhân hoặc tổ chức nào;
  • Tài liệu khác (tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể).

Thẩm quyền: Cục Bản quyền tác giả.

Thời gian xử lý: 15 ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ hợp lệ, 15 ngày có thông báo sửa đổi bổ sung hồ sơ.

Kết quả: Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả (tác phẩm có loại hình tác phẩm mỹ thuật ứng dụng).

  1. Mẫu tờ khai (Ban hành theo Thông tư số 08/2016/TT-BVHTTDL ngày 02 tháng 07 năm 2016 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)

( tải tờ khai tại đây )

Aladin Law Firm cung cấp dịch vụ hướng dẫn, giải đáp các thắc mắc của Quý Khách hàng liên quan đến thủ tục đăng ký quyền tác giả đối với tác phẩm mỹ thuật ứng dụng.
Xin vui lòng liên hệ tới Công ty Luật  Aladin.

*****************************************

CÔNG TY LUẬT ALADIN

アラジン法律コンサルティング有限

알라인 유한책임 법률 회사

Aladin law firm

The right team for your rights

⚓️Địa chỉ: Số 15E Lô A10 Khu đô thị Nam Trung Yên, đường Nguyễn Chánh, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.

Mail: luatsu@aladinlaw.vn

Link trang fanpage: https://www.facebook.com/aladinlawfirm/

☎️Hotline: 1900 57 57 73