Hiện nay nhiều doanh nghiệp, cá nhân mới bước chân vào kinh doanh đã lợi dụng các thương hiệu nổi tiếng sẵn có để nhái, làm giả các nhãn hiệu, sản phẩm với mục đích gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Việc làm này ảnh hưởng đến công việc kinh doanh và xâm phạm trực tiếp đến quyền sở hữu nhãn hiệu của các tổ chức/cá nhân khác. Chủ thể có đối tượng cần được bảo hộ phần lớn lại chưa nhận thức đẩy đủ, rõ ràng tầm quan trọng của quyền sở hữu nhãn hiệu nên đã có phần lơi là, mất cảnh giác trong việc bảo vệ quyền lợi của chính mình. Trong bài viết này Aladin Law Firm đề cập đến các hành vi xâm phạm quyền sở hữu nhãn hiệu và cách thức giải quyết khi bị xâm phạm.
- Căn cứ pháp lý
– Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi, bổ sung 2009;
– Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22/09/2006 của Chính phủ ban hành quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp;
– Nghị định số 105/2006/NĐ-CP ngày 22/09/2006 của Chính phủ ban hành quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ;
– Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 29/08/2013 của Chính phủ ban hành quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp.
- Hành vi xâm phạm quyền sở hữu nhãn hiệu
Hành vi xâm phạm quyền sở hữu nhãn hiệu là hành vi “sử dụng” nhãn hiệu trong thời gian văn bằng bảo hộ nhãn hiệu đó đang có hiệu lực mà không được chủ sở hữu quyền sở hữu nhãn hiệu cho phép và không thuộc các trường hợp hạn chế, giới hạn quyền sở hữu nhãn hiệu. Theo đó, các hành vi xâm phạm bao gồm:
– Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng với hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó;
– Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ tương tự hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ;
– Sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng, tương tự hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ;
– Sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng hoặc dấu hiệu dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm từ nhãn hiệu nổi tiếng cho hàng hoá, dịch vụ bất kỳ, kể cả hàng hoá, dịch vụ không trùng, không tương tự và không liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá hoặc gây ấn tượng sai lệch về mối quan hệ giữa người sử dụng dấu hiệu đó với chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng.
- Cách thức giải quyết khi bị xâm phạm quyền sở hữu nhãn hiệu
3.1. Các biện pháp xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu nhãn hiệu
Tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu nhãn hiệu thì tuỳ theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, xâm phạm mà bị xử lý bằng biện pháp dân sự, hành chính hoặc hình sự. Ngoài ra, trong trường hợp cần thiết có thể bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, biện pháp ngắn chặn và đảm bảo xử phạt, biện pháp kiểm soát hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu đối với hàng hoá liên quan đến sở hữu nhãn hiệu.
Biện pháp hành chính: Đây là biện pháp được áp dụng phổ biến nhất, khi các hành vi xâm phạm quyền sở hữu nhãn hiệu có ảnh hưởng tới trật tự quản lý kinh tế, trật tự xã hội, nhưng chưa tới mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị xử lý bằng pháp luật hành chính, cụ thể như sau:
Đối với hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ, nguyên liệu, vật liệu, phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá đó thì áp dụng một trong các biện pháp sau đây:
– Phạt tiền tùy theo mức độ hành vi vi phạm;
– Phân phối không nhằm mục đích thương mại hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại;
– Tiêu huỷ;
– Buộc chủ hàng, người vận chuyển, người tàng trữ loại bỏ các yếu tố xâm phạm và đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam đối với hàng hoá quá cảnh là hàng hoá giả mạo về nhãn hiệu, tái xuất đối với hàng hoá nhập khẩu là hàng hoá giả mạo về nhãn hiệu, nguyên liệu, vật liệu, phương tiện nhập khẩu được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá giả mạo về nhãn hiệu. Nếu không loại bỏ được yếu tố xâm phạm khỏi hàng hoá, nguyên liệu, vật liệu, phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá đó thì áp dụng biện pháp thích hợp tùy từng trượng hợp cụ thể;
Đối với hàng hoá xâm phạm mà không phải là hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ, nguyên liệu, vật liệu, phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá đó, thì cơ quan xử lý xâm phạm áp dụng các biện pháp buộc chủ hàng, người vận chuyển, người tàng trữ hàng hoá loại bỏ yếu tố xâm phạm khỏi hàng hoá và áp dụng các biện pháp thích hợp tùy trường hợp cụ thể.
Biện pháp dân sự: thường áp dụng khi người có hành vi xâm phạm đang bị xử lý bằng biện pháp hành chính, tổ chức/cá nhân bị thiệt hại sẽ khởi kiện người có hành vi xâm phạm tại Toà án để yêu cầu bồi thường thiệt hại. Biện pháp dân sự bao gồm:
– Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm;
– Buộc xin lỗi, cải chính công khai;
– Buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự;
– Buộc bồi thường thiệt hại.
Biện pháp hình sự: Nếu có dấu hiệu tội phạm về xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thì tiến hành biện pháp hình sự, áp dụng theo Điều 226 Bộ luật hình sự 2015 như sau:
– Người nào cố ý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam, thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.Ngoài ra, phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
+ Có tổ chức;
+ Phạm tội 02 lần trở lên;
+ Thu lợi bất chính 300.000.000 đồng trở lên;
+ Gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu 500.000.000 đồng trở lên;
+ Hàng hóa vi phạm trị giá 500.000.000 đồng trở lên.
– Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
– Pháp nhân thương mại phạm tội thì bị phạt như sau:
+ Nếu đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng;
+ Phạm tội thuộc các tình tiết tăng nặng nêu trên, thì bị phạt tiền từ 2.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 02 năm;
+ Còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
3.2. Quy trình giải quyết, yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu nhãn hiệu
Chủ thể có quyền yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu nhãn hiệu bao gồm:
– Chủ thể quyền sở hữu nhãn hiệu (Chủ sở hữu quyền sở hữu nhãn hiệu, tổ chức cá nhân được chủ sở hữu quyền chuyển giao quyền sở hữu nhãn hiệu);
– Tổ chức, cá nhân là người tiêu dùng hoặc người bị thiệt hại (không phải là chủ thể quyền) trong trường hợp sản phẩm có yếu tố xâm phạm là lương thực, thực phẩm, thuốc phòng bệnh và chữa bệnh, thức ăn dành cho chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng vật nuôi gây hại cho sức khoẻ con người, vật nuôi và môi trường, …
Bước 1: Thông báo cho tổ chức/ cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu nhãn hiệu
Trước khi gửi đơn yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền, chủ thể quyền phải có thông báo cho tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền biết họ đang xâm phạm quyền của chủ thể quyền, yêu cầu chấm dứt hành vi xâm phạm đó trong thời gian hợp lý. Trong văn bản thông báo phải có các thông tin chỉ dẫn về căn cứ phát sinh, Văn bằng bảo hộ, phạm vi, thời hạn bảo hộ và phải ấn định một thời hạn hợp lý để người xâm phạm chấm dứt hành vi xâm phạm. Nếu sau thời gian đó, tổ chức, cá nhân đã biết họ đang xâm phạm quyền của tổ chức, cá nhân khác, nhưng không tự nguyện chấm dứt hành vi xâm phạm, lúc đó chủ thể quyền có quyền yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền xử lý.
Bước 2: Gửi đơn yêu cầu xử lý xâm phạm quyền sở hữu nhãn hiệu
Hồ sơ gồm:
– Đơn yêu cầu xử lý xâm phạm;
– Chứng cứ chứng minh chủ thể quyền (Bản gốc Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu hoặc bản sao có công chứng hoặc xác nhận của cơ quan đã cấp các văn bằng; Trường hợp là nhãn hiệu đăng ký quốc tế thì tài liệu chứng minh chủ thể quyền là bản gốc Giấy chứng nhận nhãn hiệu đăng ký quốc tế được bảo hộ tại Việt Nam do Cục Sở hữu trí tuệ, bản sao Công báo nhãn hiệu quốc tế của WIPO có xác nhận của Cục Sở hữu trí tuệ hoặc bản sao Giấy chứng nhận đăng ký quốc tế được bảo hộ tại Việt Nam, hoặc Công báo Sở hữu công nghiệp của Cục sở hữu trí tuệ; Đối với nhãn hiệu nổi tiếng: Tài liệu thể hiện các tiêu chí đánh giá nhãn hiệu nổi tiếng; quá trình sử dụng để nhãn hiệu trở thành nổi tiếng)
– Chứng cứ chứng minh xâm phạm (Bản gốc, bản sao tài liệu mô tả, hiện vật liên quan đến đối tượng bảo hộ; Vật mẫu, hiện vật, ảnh chụp, bản ghi hình sản phẩm bị nghi ngờ chứa yếu tố xâm phạm; Bản giải trình, so sánh sản phẩm bị xem xét với đối tuợng được bảo hộ).
Thẩm quyền:
– Cơ quan Thanh tra Khoa học và Công nghệ các cấp đối với các đơn yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm quyền và hàng hoá giả mạo sở hữu nhãn hiệu khi: Sản xuất, kinh doanh, khai thác, quảng cáo, lưu thông (trừ hành vi xẩy ra trong hoạt động nhập khẩu).
– Cơ quan Quản lý Thị trường các cấp đối với đơn yêu cầu xử lý hành vi lưu thông hàng hoá, kinh doanh thương mại trên thị trường;
– Cơ quan Cảnh sát các cấp đối với đơn yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm quyền trong trường hợp cần phát hiện, xác minh, thu thập thêm chứng cứ, chưa xác định rõ địa chỉ;
– Cơ quan Hải quan các cấp đối với đơn yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm quyền xảy ra trong xuất, nhập khẩu.
Trình tự tiến hành giải quyết đơn yêu cầu:
– Xác định thẩm quyền: Nếu đúng thẩm quyền thụ lý để tiến hành các hoạt động thanh tra, kiểm soát, lập biên bản và ra quyết định xử phạt.
– Yêu cầu bổ sung: Trong trường hợp thiếu các tài liệu, chứng cứ chứng minh chủ thể quyền, hành vi xâm phạm quyền.
– Từ chối: Trong trường hợp chủ thể quyền, tổ chức, cá nhân yêu cầu xử lý không đáp ứng yêu cầu bổ sung tài liệu, chứng cứ trong thời hạn quy định.
– Tạm dừng: vì có tranh chấp, khiếu nại về chủ thể quyền:
– Thanh tra, kiểm tra, kiểm soát để kết luận, xử lý: Trong trường hợp có đầy đủ tài liệu chứng cứ.
Hiện nay, đã có khung pháp lý hoàn chỉnh với các chế tài cụ thể áp dụng xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu nhãn hiệu tuy nhiên các vấn đề chứng minh xâm phạm và giải quyết còn gặp bất cập do thời gian xử lý kéo dài và chưa có án lệ nào được sử dụng làm căn cứ giải quyết các vụ việc (do tính chất phức tạp đối với từng trường hợp). Cần thiết phải xem xét và áp dụng đúng pháp luật Việt Nam, điều ước, tiền lệ Quốc tế để giải quyết tranh chấp diễn ra trong lĩnh vực sở hữu nhãn hiệu, chấm dứt các hành vi xâm phạm, loại bỏ cạnh tranh không lành mạnh trong sự phát triển kinh tế và hội nhập hiện nay.
*****************************************
CÔNG TY LUẬT ALADIN
アラジン法律コンサルティング有限
알라인 유한책임 법률 회사
ALADIN LAW FIRM
“The right team for your rights”
⚓️ Địa chỉ: Số 15E Lô A10 Khu đô thị Nam Trung Yên, đường Nguyễn Chánh, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Mail: luatsu@aladinlaw.vn
🌐 www.aladinlaw.com
URL: https://www.facebook.com/aladinlawfirm/
☎️Hotline: 1900 57 57 73