Sau bài giới thiệu đầu tiên về công bố thông tin đối với công ty đại chúng, bài viết lần này sẽ nói tới các trường hợp công ty đại chúng cần phải công bố thông tin bất thường.
Tại sao lại gọi là công bố thông tin bất thường? Vì đó là những sự kiện xảy ra mà đôi khi không nằm trong kế hoạch, hoặc không phải là thường gặp đối với các công ty đại chúng. Nếu như công bố thông tin định kỳ sẽ là câu chuyện đều đặn, hiển nhiên như hàng năm tháng 3 là kiểm toán báo cáo tài chính, tháng 4 sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên,thì có những sự kiện không phải năm nào cũng xảy ra cũng như không phải công ty nào cũng có ví dụ như việc thay đổi ngành nghề kinh doanh, thay đổi kỳ kế toán, .. đó chính là những sự kiện bất thường.
Với các sự kiện bất thường, thời gian để công bố thông tin cũng là một yếu tố “khác thường”. Nếu công bố thông tin định kỳ, không những chúng ta có sự chuẩn bị trước, nằm trong kế hoạch, mà thời gian từ khi xảy ra sự kiện đến lúc công bố lại có cả vài ngày tới vài tháng. Nhưng với công bố thông tin bất thường, doanh nghiệp chỉ có 24 giờ, trong vòng 24 giờ từ khi xảy ra sự kiện phải hoàn tất việc công bố thông tin.
Như chúng ta đã biết, việc công bố thông tin ngoài thực hiện theo các cách thức thông thường thì còn được thực hiện trực tuyến qua cổng thông tin của Ủy ban chứng khoán Nhà nước và qua một kênh rất gần gũi với tất cả các doanh nghiệp thời 4.0 là website của chính doanh nghiệp đó. Do vậy, việc thủ tục công bố không quá phức tạp nếu chúng ta sẵn sàng về kết cấu hạ tầng cũng như nhân sự, và việc quan trọng là chúng ta cần nhớ tới các trường hợp phải công bố thông tin bất thường.
Theo đó, công ty đại chúng cần phải thực hiện công bố thông tin bất thường khi xảy ra các sự kiện sau:
– Tài khoản của Công ty bị phong tỏahoặc được phép hoạt động trở lại sau khi bị phong tỏa, ngoại trừ trường hợp phong tỏa theo yêu cầu của chính công ty;
– Phát sinh sự kiện liên quan đến Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy phép thành lập và hoạt động của Công ty như: việc tạm ngừng một phần hoặc toàn bộ hoạt động kinh doanh; bổ sung hoặc rút bớt một hoặc một số ngành nghề đầu tư, kinh doanh; bị đình chỉ hoặc thu hồi Giấy chứng nhận/Giấy phép; được cấp hoặc các sửa đổi bổ sung liên quan đến Giấy chứng nhận/Giấy phép; thay đổi thông tin trong Bản cáo bạch sau khi đã được Ủy ban Chứng khoánNhà nước cấp Giấy chứng nhận đăng ký chào bán;
– Công ty thông qua Biên bản, Nghị quyết (Quyết định) của các phiên họp Đại hội đồng cổ đông hoặc Biên bản kiểm phiếu với trường hợp lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản;
– Các vấn đề liên quan đến cổ phần, cố phiểu, cổ tức: quyết định chào bán chứng khoán, mua, bán cổ phiếu quỹ; ngày đăng ký cuối cùng thực hiện quyền của cổ đông hiện hữu; các vấn đề về cổ tức (thời gian, tỉ lệ, phương thức, …); thay đổi số cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành; …
– Các quyết định liên quan đến cấu trúc, cơ cấu tổ chức doanh nghiệp như: Quyết định việc tổ chức lại doanh nghiệp, giải thể, thay đổi tên, con dấu, trụ sở, sửa đổi bổ sung Điều lệ; Quyết định góp vốn thành lập, mua/bán để tăng hoặc giảm tỉ lệ sở hữu trong một công ty bất kỳ; đóng, mở chi nhánh, nhà máy, văn phòng đại diện, …;
– Thông qua các quyết định liên quan đến công tác tài chính, kế toán của công ty như: quyết định thay đổi kỳ kế toán, chính sách kế toán áp dụng, thông báo thay đổi doanh nghiệp kiểm toán, …
– Phát sinh các sự kiện liên quan đến người nội bộ công ty như:
+ Quyết định của Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị thông qua Hợp đồng, giao dịch của công ty với người nội bộ hoặc người có liên quan;
+ Quyết định thay đổi, bổ nhiệm mới, bổ nhiệm lại, bãi nhiệm người nội bộ;
+ Khi nhận được quyết định khởi tố, tạm giam, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người nội bộ của công ty;
– Các trường hợp khác như:
+ Công ty nhận được bản án, quyết định của Tòa án liên quan đến hoạt động của công ty; kết luận của cơ quan thuế về việc công ty vi phạm pháp luật về thuế;
+ Công ty quyết định vay hoặc phát hành trái phiếu dẫn đến tổng giá trị các khoản vay của công ty có giá trị từ 30% vốn chủ sở hữu trở lên tính tại báo cáo tài chính năm gần nhất đã được kiểm toán hoặc báo cáo tài chính bán niên gần nhất được soát xét.
+ Công ty nhận được thông báo của Tòa án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản doanh nghiệp;
+ Hoặc khi công ty xảy ra các sự kiện khác có ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc tình hình quản trị của công ty.
Tuy nhiên, khi thực hiện công bố thông tin bất thường, công ty đại chúng phải nêu rõ sự kiện xảy ra, nguyên nhân và các giải pháp khắc phục (nếu có). Đồng thời, phải đảm bảo các thông tin này phải được lưu giữ trên website công ty tối thiểu 05 năm.
Trên đây là các nội dung cần phải thực hiện công bố thông tin bất thường với công ty đại chúng. Chi tiết thông tin về công bố thông tin, công bố thông tin bất thường doanh nghiệp có thể tìm hiểu tại Luật Chứng khoán và Thông tư 155/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính ban hành ngày 06/10/2015 hướng dẫn về việc công bố thông tin trên thị trường chứng khoán. Quý Khách hàng cần hỗ trợ, tư vấn thêm vui lòng liên hệ với Aladin Law Firm – Hotline 1900.57.57.73.