ĐIỀU KIỆN BẢO HỘ KIỂU DÁNG CÔNG NGHIỆP

Trang chủ > Thư viện pháp luật > ĐIỀU KIỆN BẢO HỘ KIỂU DÁNG CÔNG NGHIỆP

Các sản phẩm mới ra đời, kiểu dáng công nghiệp góp phần quan trọng tạo nên sức cạnh tranh trên thị trường và sức hút đối với người tiêu dùng. Do đó, việc phát triển và bảo hộ kiểu dáng công nghiệp là một trong những mối quan tâm hàng đầu. Vậy kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ cần đáp ứng những điều kiện gì?

I. Điều kiện bảo hộ kiểu dáng công nghiệp

Điều 63 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định về điều kiện chung đối với kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ như sau: “Kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

– Có tính mới;

– Có tính sáng tạo;

– Có khả năng áp dụng công nghiệp.”

1. Có tính mới:

– Kiểu dáng công nghiệp được coi là có tính mới nếu kiểu dáng công nghiệp đó khác biệt đáng kể với những kiểu dáng công nghiệp đã bị bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên nếu đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được hưởng quyền ưu tiên. Hai kiểu dáng công nghiệp được coi là khác biệt đáng kể với nhau nếu giữa chúng có ít nhất một đặc điểm tạo dáng dễ dàng nhận biết, ghi nhớ và có thể dùng để phân biệt tổng thể hai kiểu dáng công nghiệp đó với nhau.

– Kiểu dáng công nghiệp được coi là chưa bị bộc lộ công khai nếu chỉ có một số người có hạn được biết và có nghĩa vụ giữ bí mật về kiểu dáng công nghiệp đó.

– Kiểu dáng công nghiệp không bị coi là mất tính mới nếu được công bố trong các trường hợp sau đây với điều kiện đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được nộp trong thời hạn sáu tháng kể từ ngày công bố:

+ Kiểu dáng công nghiệp bị người khác công bố nhưng không được phép của người có quyền đăng ký

+ Kiểu dáng công nghiệp được người có quyền đăng ký công bố dưới dạng báo cáo khoa học;

+ Kiểu dáng công nghiệp được người có quyền đăng ký trưng bày tại cuộc triển lãm quốc gia của Việt Nam hoặc tại cuộc triển lãm quốc tế chính thức hoặc được thừa nhận là chính thức.

2. Có tính sáng tạo:

– Kiểu dáng công nghiệp được coi là có tính sáng tạo nếu căn cứ vào các kiểu dáng công nghiệp đã được bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên của đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp trong trường hợp đơn được hưởng quyền ưu tiên, kiểu dáng công nghiệp đó không thể được tạo ra một cách dễ dàng đối với người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực tương ứng.

3. Có khả năng áp dụng công nghiệp:

– Kiểu dáng công nghiệp được coi là có khả năng áp dụng công nghiệp nếu có thể dùng làm mẫu để chế tạo hàng loạt sản phẩm có hình dáng bên ngoài là kiểu dáng công nghiệp đó bằng phương pháp công nghiệp hoặc thủ công nghiệp.

II. Các trường hợp không được bảo hộ kiểu dáng công nghiệp

Các trường hợp không được bảo hộ với danh nghĩa kiểu dáng công nghiệp được quy định tại Điều 64 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, bao gồm:

– Hình dáng bên ngoài của sản phẩm do đặc tính kỹ thuật của sản phẩm bắt buộc phải có, ví dụ: Hình tròn của viên bi, viên bida…

– Hình dáng bên ngoài của công trình xây dựng dân dụng hoặc công nghiệp;

– Hình dáng của sản phẩm không nhìn thấy được trong quá trình sử dụng sản phẩm, ví dụ: Hình dạng bên ngoài của các thiết bị bên trong xe máy, ô tô.