PHÂN BIỆT NHÃN HIỆU VÀ THƯƠNG HIỆU

Trang chủ > Thư viện pháp luật > PHÂN BIỆT NHÃN HIỆU VÀ THƯƠNG HIỆU

Thương hiệu và nhãn hiệu là một khái niệm phổ biến được dùng để chỉ sản phẩm, hàng hóa của một doanh nghiệp được cung cấp trên thị trường. Thương hiệu và nhãn hiệu là hai khái niệm thường xuyên gây ra sự nhầm lẫn cho người nghe khi chưa nắm rõ nội hàm của chúng. Vậy thương hiệu và nhãn hiệu giống và khác nhau như thế nào?

I. Điểm chung

– Thương hiệu và nhãn hiệu đều là khái niệm dùng để nhận biết về sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của một doanh nghiệp nào đó trên thị trường.

– Thương hiệu và nhãn hiệu đều là sản phẩm hữu hình và có giá trị lợi ích lớn cho chính doanh nghiệp sở hữu nó.

II. Điểm khác biệt

1. Khái niệm

– Nhãn hiệu: là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau (khoản 16 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ). Như vậy, nhãn hiệu là những dấu hiệu dùng phân biệt hàng hóa, dịch vụ (nhãn hiệu hàng hóa ) cùng loại của các cơ sở sản xuất, kinh doanh khác nhau. Nhãn hiệu có thể là từ ngữ, hình ảnh hoặc sự kết hợp các yếu tố đó được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc. Nhãn hiệu được coi là một loại tài sản vô hình của người hoặc công ty thực hiện hoặc sản xuất và là một trong các đối tượng sở hữu được pháp luật bảo hộ.

– Thương hiệu : là một dấu hiệu (hữu hình và vô hình) đặc biệt để nhận biết một sản phẩm hàng hoá hay một dịch vụ nào đó được sản xuất hay được cung cấp bởi một cá nhân hay một tổ chức (Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO)).

Như vậy, Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam chưa có định nghĩa về thương hiệu mà chỉ đưa ra định nghĩa về nhãn hiệu, do đó chỉ có nhãn hiệu mới là đối tượng được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam. Do nhãn hiệu là đối tượng của Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam nên nhãn hiệu được các cơ quan quản lý Nhà nước công nhận và bảo hộ còn thương hiệu là kết quả phấn đấu lâu dài của doanh nghiệp và người tiêu dùng là người công nhận.

2. Hình tượng hàng hóa

– Thương hiệu thể hiện hình tượng hàng hóa trong tâm trí người tiêu dùng.

– Nhãn hiệu thể hiện bằng từ ngữ, hình ảnh, biểu tượng… giúp khách hàng nhận diện bên ngoài của hàng hóa.

3. Thời gian tồn tại

– Nhãn hiệu được tạo ra chỉ trong thời gian đôi khi là rất ngắn, trong khi để tạo dựng được một thương hiệu (tạo dựng hình ảnh về hàng hóa, dịch vụ trong tâm trí người tiêu dùng) đôi khi là cả cuộc đời của doanh nghiệp.

– Thương hiệu nổi tiếng sẽ tồn tại mãi theo thời gian nhưng nhãn hiệu hàng hóa thì chỉ có giá trị pháp lý trong thời gian nhất định (thời hạn bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa thường là 10 năm và có thể được kéo dài bằng việc gia hạn).

– Thương hiệu tồn tại lâu hơn nhãn hiệu. Có những thương hiệu nổi tiếng mãi theo thời gian nhưng nhãn hiệu thì thay đổi theo những yếu tố tác động bên ngoài nhất định như thị hiệu người tiêu dùng.

4. Về giá trị

Nhãn hiệu sau khi thực hiện thủ tục đăng ký tại Cục sở hữu trí tuệ sẽ trở thành tài sản và có thể đem ra định giá. Thương hiệu thì không được đem ra định giá một cách dễ dàng vì nó gắn liền với uy tín, về thương hiệu và khả năng cung cấp hàng hóa, dịch vụ. Do đó, các doanh nghiệp khác không thế bắt chước hay làm giả thương hiệu bởi nó bao hàm cả niềm tin và sự lựa chọn của khách hàng đối với một sản phẩm của một thương hiệu nào đó.