Luật giao dịch điện tử 2023 và những điều cần biết về chữ ký điện tử, chữ ký số

Trang chủ > Tin tức pháp luật > Luật giao dịch điện tử 2023 và những điều cần biết về chữ ký điện tử, chữ ký số

 
1. Định nghĩa về chữ ký điện tử và chữ ký số
Khoản 1 Điều 21 Luật giao dịch điện tử 2005 số 51/2005/QH ban hành bởi Quốc hội và Theo Khoản 6, Điều 3, Nghị định 130/2018/NĐ-CP quy định về Luật giao dịch điện tử về chữ ký số và Dịch vụ chứng thực chữ ký số đã định nghĩa chữ ký số và chữ ký điện tử như sau:
"Chữ ký số" là một dạng chữ ký điện tử được tạo ra bằng sự biến đổi một thông điệp dữ liệu sử dụng hệ thống mật mã không đối xứng, theo đó, người có được thông điệp dữ liệu ban đầu và khóa công khai của người ký có thể xác định được chính xác:
a) Việc biến đổi nêu trên được tạo ra bằng đúng khóa bí mật tương ứng với khóa công khai trong cùng một cặp khóa;
b) Sự toàn vẹn nội dung của thông điệp dữ liệu kể từ khi thực hiện việc biến đổi nêu trên.”
“Chữ ký điện tử được tạo lập dưới dạng từ, chữ, số, ký hiệu, âm thanh hoặc các hình thức khác bằng phương tiện điện tử, gắn liền hoặc kết hợp một cách lô gíc với thông điệp dữ liệu, có khả năng xác nhận người ký thông điệp dữ liệu và xác nhận sự chấp thuận của người đó đối với nội dung thông điệp dữ liệu được ký.”
Tuy vậy, Ngày 13/10/2023, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ký Quyết định 1198/QĐ-TTG ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Giao dịch điện tử, Luật giao dịch điện tử 2005 số 51/2005/QH ban hành bởi Quốc hội sẽ hết hiệu lực từ ngày 01/7/2024 và được thay thế bởi Luật Giao dịch điện tử số 20/2023/QH15 được Quốc hội Khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 5 ngày 20/06/2023 có những điểm mới liên quan đến chữ ký điện tử và chữ ký số cần lưu ý.
 
2. Điểm mới về chữ ký số, chữ ký điện tử quy định tại Luật giao dịch điện tử 2023
Theo đó tại Điều 3 Luật Giao dịch điện tử 2023, các khái niệm về chữ ký số, chữ ký điện tử, dấu thời gian, dữ liệu số, chứng thư điện tử, môi trường điện tử, người trung gian, dịch vụ chứng thực chữ ký số, hợp đồng điện tử… được bổ sung, sửa đổi. Cụ thể:
– Chữ ký điện tử là chữ ký được tạo lập dưới dạng dữ liệu điện tử gắn liền hoặc kết hợp một cách lô gíc với thông điệp dữ liệu để xác nhận chủ thể ký và khẳng định sự chấp thuận của chủ thể đó đối với thông điệp dữ liệu.
– Chữ ký số là chữ ký điện tử sử dụng thuật toán khóa không đối xứng, gồm khóa bí mật và khóa công khai, trong đó khóa bí mật được dùng để ký số và khóa công khai được dùng để kiểm tra chữ ký số. Chữ ký số bảo đảm tính xác thực, tính toàn vẹn và tính chống chối bỏ nhưng không bảo đảm tính bí mật của thông điệp dữ liệu.
– Hợp đồng điện tử là hợp đồng được thiết lập dưới dạng thông điệp dữ liệu.
– Dữ liệu điện tử là dữ liệu được tạo ra, xử lý, lưu trữ bằng phương tiện điện tử.
 
3. Điều kiện chữ ký điện tử được coi là chữ ký số
Theo khoản 3 Điều 22 Luật Giao dịch điện tử năm 2023, chữ ký số sẽ được coi là chữ ký điện tử nếu đáp ứng các điều kiện được liệt kê chi tiết sau:
- Xác nhận chủ thể ký và khẳng định sự chấp thuận của chủ thể ký đối với thông điệp dữ liệu
- Dữ liệu tạo chữ ký số chỉ gắn duy nhất với nội dung của thông điệp dữ liệu được chấp thuận.
- Dữ liệu tạo chữ ký số chỉ thuộc sự kiểm soát của chủ thể ký tại thời điểm ký.
- Mọi thay đổi đối với thông điệp dữ liệu sau thời điểm ký đều có thể bị phát hiện.
- Phải được bảo đảm bởi chứng thư chữ ký số.
- Phương tiện tạo chữ ký số phải bảo đảm dữ liệu tạo chữ ký số không bị tiết lộ, thu thập, sử dụng cho mục đích giả mạo chữ ký; bảo đảm dữ liệu được dùng để tạo chữ ký số chỉ có thể sử dụng một lần; không làm thay đổi dữ liệu cần ký.
Luật Giao dịch điện tử với những nội dung đổi mới, bổ sung những định nghĩa chi tiết cho việc áp dụng Luật Giao dịch điện tử năm 2023 thêm dễ dàng trong việc sử dụng chữ ký số và chữ ký điện tử từ đó giúp tạo hành lang pháp lý toàn diện, đầy đủ, thuận lợi nhất cho công tác chuyển đổi hoạt động từ môi trường thực sang môi trường số trong mọi lĩnh vực.