Quyền thành lập, góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam

Trang chủ > Thư viện pháp luật > Quyền thành lập, góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam

Quyền thành lập, góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam

Trong bối cảnh kinh tế, xã hội hiện nay có rất nhiều cá nhân, tổ chức muốn lập công ty để mở rộng hoạt động kinh doanh của mình. Tuy nhiên, không phải tổ chức, cá nhân nào cũng được quyền thành lập, quản lý doanh nghiệp. Vậy những đối tương nào có quyền thành lập, quản lý doanh nghiệp? Công ty Luật TNHH Aladin xin cung cấp một số thông tin liên quan để quý khách hàng có thể tự xác định quyền của mình khi thành lập, quản lý doanh nghiệp.

I. Căn cứ pháp lý

1. Luật doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành;

2. Luật phá sản 2014;

3. Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018;

4. Các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan khác.

II. Quyền thành lập doanh nghiệp

Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 18 Luật Doanh nghiệp 2014 thì các các nhân, tổ chức có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam trừ một số trường hợp pháp luật không cho phép. Theo đó, pháp luật Việt Nam tôn trọng quyền tự do kinh doanh của cá nhân, tổ chức và khuyến khích việc thành lập doanh nghiệp để hoạt động kinh doanh có quy mô và dễ quản trị hơn. Cá nhân có đầy đủ năng lực hành vi dân sự và tổ chức được thành lập hợp pháp tại Việt Nam có quyền tham gia thành lập và quản lý doanh nghiệp. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp đặc thù luật hiện nay hạn chế quyền thành lập hoặc quyền quản lý doanh nghiệp để phù hợp với quy định của các luật liên quan khác, nội dung cụ thể được xác định tại mục III dưới đây.

III. Cá nhân, tổ chức không được quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam

Căn cứ theo quy định tại Khoản 2 Điều 18 Luật doanh nghiệp thì các cá nhân, tổ chức thuộc nhóm đối tượng sau không được quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam:

1. Nhóm đối tượng làm việc tại cơ quan nhà nước

– Cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;

– Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức;

– Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp;

– Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước, trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác;

Việc quy định như vậy là phù hợp với thực tế chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các đối tượng đang làm việc trong cơ quan nhà nước. Nhóm đối tượng nói trên đang được hưởng lương từ ngân sách nhà nước, ở một khía cạnh nào đó nếu cho phép được thành lập và quản lý doanh nghiệp sẽ dẫn đến việc không toàn tâm toàn ý cho công việc đang làm. Không những vậy mà còn có thể lợi dụng chức vụ, quyền hạn, mối quan hệ trong công tác để thu lợi riêng cho bản thân nên Luật quy định không được quyền thành lập, quản lý doanh nghiệp ngoại trừ một số trường hợp được cử quản lý phần vốn góp của Nhà nước trong các doanh nghiệp khác. Khi thực hiện việc ủy quyền đại diện quản lý vốn nhà nước tại các doanh nghiệp khác thì họ không phải đứng ở tư cách cá nhân để làm việc mà đứng ở tư cách quản lý nhà nước, quản lý vốn.

2. Nhóm đối tượng không đầy đủ năng lực hành vi dân sự:

– Người chưa thành niên;

– Người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự;

– Tổ chức không có tư cách pháp nhân;

Nhóm đối tượng này không có hoặc không đầy đủ năng lực hành vi dân sự, do đó không thể chịu toàn bộ trách nhiệm pháp lý nếu có vấn đề xảy ra. Về mặt pháp lý, người tham gia thành lập và quản lý doanh nghiệp phải thực hiện rất nhiều các giao dịch dân sự, nếu không có hoặc không đầy đủ năng lực hành vi dẫn đến những hệ quả pháp lý nghiêm trọng và gây ảnh hưởng đến nhiều người. Trên thực tế, nhóm những đối tượng nói trên thậm chí còn chưa tự lo được cho bản thân, luôn phải có người giám hộ thì chắc chắn không đủ năng lực để thành lập hay quản lý doanh nghiệp.

3. Nhóm đối tượng bị cấm, không đủ điều kiện hoặc hạn chế thành lập và quản lý doanh nghiệp theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

– Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

– Người đang chấp hành hình phạt tù, quyết định xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc;

– Người đang bị cấm hành nghề kinh doanh, đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định, liên quan đến kinh doanh theo quyết định của Tòa án;

– Người thuộc các các trường hợp khác theo quy định của pháp luật về phá sản, phòng, chống tham nhũng.

Khi doanh nghiệp, hợp tác xã bị phá sản thì người đứng đầu, người quản lý doanh nghiệp sẽ bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc không được quyền thành lập doanh nghiệp có thời hạn, cụ thể:

Căn cứ theo quy định tại Điều 130 Luật Phá sản 2014: “1. Người giữ chức vụ Chủ tịch, Tổng giám đốc, Giám đốc, thành viên Hội đồng quản trị của doanh nghiệp 100% vốn nhà nước bị tuyên bố phá sản không được đảm đương các chức vụ đó ở bất kỳ doanh nghiệp nhà nước nào kể từ ngày doanh nghiệp 100% vốn nhà nước bị tuyên bố phá sản. 2. Người đại diện phần vốn góp của Nhà nước ở doanh nghiệp có vốn nhà nước mà doanh nghiệp đó bị tuyên bố phá sản không được đảm đương các chức vụ quản lý ở bất kỳ doanh nghiệp nào có vốn của Nhà nước. 3. Người giữ chức vụ quản lý của doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản mà cố ý vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 18, khoản 5 Điều 28, khoản 1 Điều 48 của Luật này thì Thẩm phán xem xét, quyết định về việc không được quyền thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã, làm người quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong thời hạn 03 năm kể từ ngày Tòa án nhân dân có quyết định tuyên bố phá sản. 4. Quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này không áp dụng trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản với lý do bất khả kháng”.

Phá sản là hậu quả pháp lý không mong muốn, đem lại nhiều hệ quả xấu đối với xã hội, do đó, việc những người có trách nhiệm sau khi đã để doanh nghiệp mình quản lý phá sản không được tham gia quản lý, thành lập doanh nghiệp trong những thời hạn luật quy định là hoàn toàn phù hợp.

Căn cứ theo quy định tại Khoản 2 Điều 20 Luật phòng, chống tham những năm 2018 thì người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị không được thành lập, tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã trừ các trường hợp pháp luật quy định. Sau khi thôi giữ chức vụ cũng không được thực hiện việc thành lập, quản lý, điều hành doanh nghiệp mà mình được giao quản lý trong một thời hạn nhất định theo luật.

  1. Quyền góp vốn thành lập doanh nghiệp

Trong trường hợp này, Luật phân định cụ thể quyền thành lập, quản lý doanh nghiệp và quyền góp vốn, nói cách khác là phân biệt về quyền quản lý và quyền sở hữu.

Căn cứ theo Khoản 3 Điều 18 Luật Doang nghiệp 2014 thì các cá nhân, tổ chức có quyền góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh trừ một số trường hợp sau:

– Cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước góp vốn vào doanh nghiệp để thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;

– Các đối tượng không được góp vốn vào doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.

Việc thu lợi riêng được hiểu là việc sử dụng nguồn thu nhập dưới mọi hình thức từ hoạt động kinh doanh, góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào một trong các hình thức quy định tại Khoản 4 Điều 18 Luật Doanh nghiệp 2014:

– Chia dưới mọi hình thức cho một số hoặc tất cả những người là cán bộ, công chức, viên chức, người lamf việc tại các đơn vị Quân đội nhân dân, Công an nhân dân

– Bổ sung vào ngân sách hoạt động của cơ quan, đơn vị trái với quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước;

– Lập quỹ hoặc bổ sung vào quỹ phục vụ lợi ích riêng của cơ quan, đơn vị.

Như vậy, so với đối tượng được thành lập và quản lý doanh nghiệp thì đối tượng góp vốn vào doanh nghiệp được mở rộng hơn nhiều. Sở dĩ quy định như vậy là vì tách bạch giữa quyền sở hữu. Sở hữu tài sản hợp pháp và thu  lợi nhuận có được từ tài sản nlà một trong các quyền công dân nên nhà nước cho phép được tự do thực hiện quyền góp vốn vào doanh nghiệp, trừ một số trường hợp luật định như đã nêu. Việc thành lập và quản lý doanh nghiệp có nhiều tác động đến kinh tế, xã hội, do đó phải có những biện pháp để hạn chế yếu tố gây thiệt hại cũng như để nhà nước quản lý, đảm bảo lợi ích và công bằng xã hội.

Trên đây là một số quy định liên quan đến quyền thành lập, quản lý và góp vốn vào doanh nghiệp. Quý khách hàng nếu có nhu cầu tìm hiểu chi tiết hơn xin vui lòng liên hệ:

CÔNG TY LUẬT ALADIN

Địa chỉ: Số 15E lô A10 Khu đô thị Nam Trung Yên, đường Nguyễn Chánh, phường Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội.

Hotline: 1900 57 57 73.