Thủ tục đăng ký bảo hộ sáng chế tại Việt Nam
Hiện nay, tình trạng xâm phạm quyền đối với sáng chế tại Việt Nam ngày càng trở nên phổ biến do không đăng ký sáng chế, chủ sở hữu/ tác giả sáng chế cũng vì vậy mà không thể bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình một cách toàn diện nhất.
Trong phạm vi bài viết dưới đây, Aladin Law sẽ mang tới cho Quý khách hàng một cái nhìn toàn diện về điều kiện, hình thức bảo hộ sáng chế cũng như trình tự thủ tục để đăng ký sáng chế tại Việt Nam.
I. Sáng chế là gì? Điều kiện để sáng chế được bảo hộ và hình thức bảo hộ sáng chế
“Sáng chế là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên.” (Khoản 12 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005)
Sáng chế có thể được bảo hộ dưới 02 hình thức: Sáng chế và Giải pháp hữu ích. Điều 58 Luật sở hữu trí tuệ 2005 có quy định về điều kiện để được bảo hộ như sau:
- Đối với hình thức bảo hộ sáng chế, sáng chế cần đảm bảo những điều kiện sau: Có tính mới; Có trình độ sáng tạo; Có khả năng áp dụng công nghiệp.
- Đối với hình thức bảo hộ Giải pháp hữu ích, sáng chế không phải là hiểu biết thông thường và đáp ứng các điều kiện sau: Có tính mới; Có khả năng áp dụng công nghiệp.
II. Trình tự thủ tục đăng ký sáng chế
1. Hồ sơ đăng ký sáng chế bao gồm:
a) 02 Tờ khai đăng ký sáng chế, đánh máy theo mẫu số 01-SC Phụ lục A của Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN;
b) 02 Bản mô tả sáng chế/ giải pháp hữu ích; Bản mô tả sáng chế/giải pháp hữu ích phải đáp ứng quy định tại điểm 23.6 Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN. Bản mô tả sáng chế/giải pháp hữu ích gồm có Phần mô tả, Yêu cầu bảo hộ và Hình vẽ (nếu có).
– Phần mô tả phải được trình bày đầy đủ, rõ ràng bản chất của sáng chế theo các nội dung sau:
- Tên sáng chế/giải pháp hữu ích;
- Lĩnh vực sử dụng sáng chế/giải pháp hữu ích;
- Tình trạng kỹ thuật của lĩnh vực sử dụng sáng chế/giải pháp hữu ích;
- Bản chất kỹ thuật của sáng chế/giải pháp hữu ích;
- Mô tả vắn tắt các hình vẽ kèm theo (nếu có);
- Mô tả chi tiết các phương án thực hiện sáng chế/giải pháp hữu ích;
- Ví dụ thực hiện sáng chế/giải pháp hữu ích;
- Những lợi ích (hiệu quả) có thể đạt được.
– Yêu cầu bảo hộ được tách thành riêng sau phần mô tả, yêu cầu bảo hộ được dùng để xác định phạm vi quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế. Yêu cầu bảo hộ phải được trình bày ngắn gọn, rõ ràng, phù hợp với phần mô tả và hình vẽ, trong đó phải làm rõ những dấu hiệu mới của đối tượng yêu cầu được bảo hộ.
– Hình vẽ, sơ đồ (nếu có): được tách thành trang riêng.
c) 02 Bản tóm tắt sáng chế/giải pháp hữu ích. Tóm tắt sáng chế/giải pháp hữu ích không được vượt quá 150 từ và phải được tách thành trang riêng. Bản tóm tắt sáng chế/giải pháp hữu ích không bắt buộc phải nộp tại thời điểm nộp đơn và người nộp đơn có thể bổ sung sau;
d) Chứng từ nộp phí, lệ phí.
e) Giấy ủy quyền (nếu đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích được nộp thông qua tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp);
f) Giấy chuyển nhượng quyền nộp đơn (nếu có);
g) Tài liệu xác nhận quyền đăng ký (nếu thụ hưởng từ người khác);
h) Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên (nếu đơn đăng ký sáng chế có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên).
2. Hình thức và nơi nộp hồ sơ đăng ký sáng chế:
Người nộp đơn có thể lựa chọn hình thức nộp đơn giấy hoặc hình thức nộp đơn trực tuyến qua Cổng dịch vụ công trực tuyến của Cục Sở hữu trí tuệ, cụ thể:
a) Hình thức nộp đơn giấy
Người nộp đơn có thể nộp đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích trực tiếp hoặc qua dịch vụ của bưu điện đến một trong các điểm tiếp nhận đơn của Cục Sở hữu trí tuệ cụ thể như sau:
– Trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ, địa chỉ: 386 Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.
– Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại thành phố Hồ Chí Minh, địa chỉ: Lầu 7, tòa nhà Hà Phan, 17/19 Tôn Thất Tùng, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh.
– Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại thành phố Đà Nẵng, địa chỉ: Tầng 3, số 135 Minh Mạng, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng.
b) Hình thức nộp đơn trực tuyến
– Điều kiện để nộp đơn trực tuyến: Người nộp đơn cần có chứng thư số và chữ ký số, đăng ký tài khoản trên Hệ thống tiếp nhận đơn trực tuyến và được Cục Sở hữu trí tuệ phê duyệt tài khoản để thực hiện các giao dịch đăng ký quyền SHCN.
– Trình tự nộp đơn trực tuyến:
- Người nộp đơn cần thực hiện việc khai báo và gửi đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích trên Hệ thống tiếp nhận đơn trực tuyến của Cục Sở hữu trí tuệ, sau khi hoàn thành việc khai báo và gửi đơn trên Hệ thống tiếp nhận đơn trực tuyến, Hệ thống sẽ gửi lại cho người nộp đơn Phiếu xác nhận nộp tài liệu trực tuyến.
- Trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày gửi đơn trực tuyến, người nộp đơn phải đến một trong các điểm tiếp nhận đơn của Cục Sở hữu trí tuệ vào các ngày làm việc trong giờ giao dịch để xuất trình Phiếu xác nhận tài liệu nộp trực tuyến và tài liệu kèm theo (nếu có) và nộp phí/lệ phí theo quy định.
- Nếu tài liệu và phí/lệ phí đầy đủ theo quy định, cán bộ nhận đơn sẽ thực hiện việc cấp số đơn vào Tờ khai trên Hệ thống tiếp nhận đơn trực tuyến, nếu không đủ tài liệu và phí/lệ phí theo quy định thì đơn sẽ bị từ chối tiếp nhận.
- Trong trường hợp Người nộp đơn không hoàn tất thủ tục nộp đơn theo quy định, tài liệu trực tuyến sẽ bị hủy và Thông báo hủy tài liệu trực tuyến được gửi cho Người nộp đơn trên Hệ thống tiếp nhận đơn trực tuyến.
3. Trình tự xử lý đơn đăng ký sáng chế
Kể từ ngày được Cục Sở hữu trí tuệ tiếp nhận, đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích được xem xét theo trình tự sau:
a) Thẩm định hình thức: 01 tháng
b) Công bố đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích:
– Đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích được công bố trong tháng thứ mười chín kể từ ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn, nếu đơn không có ngày ưu tiên hoặc trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày chấp nhận đơn hợp lệ, tùy theo ngày nào muộn hơn;
– Đơn đăng ký sáng chế theo Hiệp ước hợp tác về sáng chế (sau đây gọi là “đơn PCT”) được công bố trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày chấp nhận đơn hợp lệ đã vào giai đoạn quốc gia;
– Đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích có yêu cầu công bố sớm được công bố trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày Cục Sở hữu trí tuệ nhận được yêu cầu công bố sớm hoặc kể từ ngày chấp nhận đơn hợp lệ, tùy theo ngày nào muộn hơn.
c) Thẩm định nội dung: không quá mười tám tháng, kể từ ngày công bố đơn nếu yêu cầu thẩm định nội dung được nộp trước ngày công bố đơn hoặc kể từ ngày nhận được yêu cầu thẩm định nội dung nếu yêu cầu đó được nộp sau ngày công bố đơn.
d) Sau khi thẩm định nội dung xong, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ quyết định cấp hoặc từ chối cấp giấy chứng nhận đăng ký độc quyền sáng chế cho chủ đơn đăng ký. Trường hợp từ chối cấp, Cục cũng sẽ nêu rõ lý do từ chối để chủ đơn tham khảo và tiến hành khiếu nại (nếu có)
e) Nộp lệ phí cấp văn bằng bảo hộ: Sau khi có quyết định cấp giấy chứng nhận đăng ký, chủ đơn sẽ nộp phí cấp văn bằng tại Cục Sở hữu trí tuệ để nhận được giấy chứng nhận đăng ký độc quyền sáng chế.