1. Giấy phép xây dựng là gì:
Theo khoản 17 Điều 3 Luật Xây dựng năm 2014: “Giấy phép xây dựng là văn bản pháp lý do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho chủ đầu tư để xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo, di dời công trình.”
2. Có mấy loại Giấy phép xây dựng?
Theo khoản 3 Điều 89 Luật Xây dựng năm 2014 (được sửa đổi bởi khoản 30 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi năm 2020), giấy phép xây dựng có 4 loại, gồm:
- Giấy phép xây dựng mới;
- Giấy phép sửa chữa, cải tạo;
- Giấy phép di dời công trình;
- Giấy phép xây dựng có thời hạn.
3. Trường hợp nào được cấp lại Giấy phép xây dựng?
Theo khoản 1 Điều 100 Luật Xây dựng năm 2014, Khoản 1 Điều 52 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP: “Giấy phép xây dựng được cấp lại trong trường hợp bị rách, nát hoặc bị mất.”
4. Thủ tục xin cấp lại Giấy phép xây dựng như thế nào
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ xin cấp lại Giấy phép xây dựng
Căn cứ khoản 2 Điều 52 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP, thành phần Hồ sơ gồm.
- Đơn đề nghị cấp lại giấy phép xây dựng, trong đó nêu rõ lý do đề nghị cấp lại theo Mẫu số 02 Phụ lục II Nghị định n15/2021/NĐ-CP;
- Bản chính giấy phép xây dựng đã được cấp đối với trường hợp bị rách, nát. Bản cam kết tự chịu trách nhiệm về việc thất lạc giấy phép xây dựng của chủ đầu tư đối với trường hợp bị thất lạc giấy phép xây dựng.
- Số lượng: 02 bộ
Bước 2: Nộp hồ sơ xin cấp lại Giấy phép xây dựng
- Cơ quan có thẩm quyền giải quyết: Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép xây dựng.
(i) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy phép xây dựng đối với công trình thuộc đối tượng có yêu cầu phải cấp giấy phép xây dựng trên địa bàn tỉnh, trừ công trình xây dựng thuộc thẩm quyền cấp giấy phép của Ủy ban nhân dân cấp huyện.
(ii) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân cấp, ủy quyền cho Sở Xây dựng, Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp giấy phép xây dựng thuộc chức năng và phạm vi quản lý của cơ quan này.
(iii) Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp giấy phép xây dựng đối với công trình cấp III, cấp IV và nhà ở riêng lẻ trên địa bàn do mình quản lý.
(Khoản 37 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020)
- Lệ phí cấp lại giấy phép xây dựng: Theo quyết định của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố có thẩm quyền
Bước 3: Tiếp nhận và giải quyết hồ sơ
- Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng tiếp nhận hồ sơ và có trách nhiệm xem xét cấp lại giấy phép xây dựng.
- Thời hạn giải quyết: trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Bước 4: Nhận kết quả
Người nộp Hồ sơ nhận giấy phép xây dựng được cấp lại trực tiếp tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng.