Các quy định đối với Điều lệ Công ty

Trang chủ > Thư viện pháp luật > Các quy định đối với Điều lệ Công ty

Các quy định đối với Điều lệ Công ty

Pháp luật Việt Nam tôn trọng quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp, do đó, doanh nghiệp tự xây dựng Điều lệ làm căn cứ cho việc hoạt động trong doanh nghiệp. Mặc dù Điều lệ có thể coi là “luật của doanh nghiệp” nhưng pháp luật cũng có một số yêu cầu cơ bản đối với Điều lệ doanh nghiệp. Công ty Luật TNHH Aladin xin chia sẻ một số quy định liên quan đến Điều lệ Công ty như sau:

I. Căn cứ pháp lý

1. Luật doanh nghiệp 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành;

2. Các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

II. Một số quy định về Điều lệ Công ty

1. Các loại Điều lệ Công ty

Căn cứ theo Khoản 1 Điều 25 Luật Doanh nghiệp 2014: “Điều lệ Công ty bao gồm Điều lệ khi đăng ký doanh nghiệp và Điều lệ được sửa đổi, bổ sung trong quá trình hoạt động”.

Như vậy, Điều lệ Công ty được chia làm hai loại, một là Điều lệ ban hành lần đầu tiên khi thành lập Công ty và hai là Điều lệ sửa đổi, bổ sung. Tùy thuộc vào loại Điều lệ mà pháp luật có những yêu cầu khác nhau về hình thức và nội dung Điều lệ.

2. Các nội dung chủ yếu cần phải có đối với Điều lệ Công ty

Căn cứ theo Khoản 1 Điều 25 Luật Doanh nghiệp 2014 thì Điều lệ công ty phải có các nội dung chủ yếu sau:

a) Tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty; tên, địa chỉ chi nhánh và văn phòng đại diện (nếu có);

b) Ngành, nghề kinh doanh;

c) Vốn điều lệ; tổng số cổ phần, loại cổ phần và mệnh giá từng loại cổ phần đối với công ty cổ phần;

d) Họ, tên, địa chỉ, quốc tịch và các đặc điểm cơ bản khác của các thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh; của chủ sở hữu công ty, thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn; của cổ đông sáng lập đối với công ty cổ phần; phần vốn góp và giá trị vốn góp của mỗi thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty hợp danh; số cổ phần, loại cổ phần, mệnh giá cổ phần từng loại của cổ đông sáng lập;

đ) Quyền và nghĩa vụ của thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; của cổ đông đối với công ty cổ phần;

e) Cơ cấu tổ chức quản lý;

g) Người đại diện theo pháp luật đối vớicông ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần;

h) Thể thức thông qua quyết định của công ty; nguyên tắc giải quyết tranh chấp nội bộ;

i) Căn cứ và phương pháp xác định thù lao, tiền lương và thưởng cho người quản lý và Kiểm soát viên;

k) Những trường hợp thành viên có quyền yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc cổ phần đối với công ty cổ phần;

l) Nguyên tắc phân chia lợi nhuận sau thuế và xử lý lỗ trongkinh doanh;

m) Các trường hợp giải thể, trình tự giải thể và thủ tục thanh lý tài sản công ty;

n) Thể thức sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty.

Những nội dung trên là nội dung yêu cầu của pháp luật, trong mọi điều lệ phải có. Tùy theo tình hình hoạt động, đặc trưng và thỏa thuận của những người có thẩm quyền lập, sửa đổi, bổ sung Điều lệ để thêm các điều khoản khác. Tất cả các nội dung quy định trong Điều lệ dù là điều khoản bắt buộc hay không bắt buộc đều phải đảm bảo tuân thủ theo quy định của pháp luật bao gồm cả Luật doanh nghiệp và pháp luật khác có liên quan như Bộ luật dân sự, Luật thương mại, Luật quản lý thuế,……Những nội dung trái pháp luật trong Điều lệ sẽ bị vô hiệu khi có tranh chấp xảy ra.

Việc pháp luật cho phép doanh nghiệp tự xây dựng Điều lệ của Công ty thể hiện việc tôn trọng quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp nên khi xây dựng nội dung, doanh nghiệp cần thỏa thuận tự nguyện, xây dựng nội dung rõ ràng, dễ thực hiện, lường trước các rủi ro có thể xảy ra tránh trường hợp khi có tranh chấp đưa Điều lệ ra xử lý thì không rõ quy định. Không những vậy, các quy định đó còn thể hiện nét đặc trưng, các giá trị cốt lõi của doanh nghiệp khi thành lập, là kim chỉ nam trong hoạt động nội bộ doanh nghiệp.

Ngoài ra, tùy thuộc theo loại Điều lệ như đã nói mà cần phải có họ tên, chữ ký của chủ sở hữu/ thành viên/ cổ đông/ người đại diện theo pháp luật/ người đại diện theo ủy quyền khác nhau. Nội dung này sẽ được trình bày cụ thể ở phần sau.

3. Thẩm quyền ban hành, sửa đổi bổ sung Điều lệ và thẩm quyền ký trong Điều lệ

Như đã trình bày ở trên, Điều lệ có hai loại là Điều lệ được ban hành khi thành lập doanh nghiệp và Điều lệ được sửa đổi, bổ sung trong quá trình hoạt động. Do đó, mỗi loại Điều lệ sẽ yêu cầu thẩm quyền ký khác nhau, cụ thể:

Đối với Điều lệ khi đăng ký doanh nghiệp, căn cứ theo quy định tại Khoản 2 Điều 25 Luật Doanh nghiệp 2014 thì Điều lệ yêu cầu phải có họ, tên và chữ ký của người sau đây:

a) Các thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh;

b) Chủ sở hữu công ty là cá nhân hoặc người đại diện theo pháp luật của chủ sở hữu công ty là tổ chức đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên;

c) Thành viên là cá nhân và người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo ủy quyền của thành viên là tổ chức đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên;

d) Cổ đông sáng lập là cá nhân và người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo ủy quyền của cổ đông sáng lập là tổ chức đối với công ty cổ phần”.

Đối với Điều lệ sửa đổi, bổ sung, căn cứ theo quy định tại Khoản 3 Điều 25 Luật Doanh nghiệp 2014 thì phải có đầy đủ họ, tên và chữ ký của những người sau đây:

“a) Chủ tịch Hội đồng thành viên đối với công ty hợp danh;

b) Chủ sở hữu, người đại diện theo pháp luật của chủ sở hữu hoặc người đại diện theo pháp luật đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên;

c) Người đại diện theo pháp luật đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên và công ty cổ phần”.

Điều này là phù hợp với thực tế và thuận tiện trong quá trình soạn thảo, sửa đổi, bổ sung, ban hành Điều lệ của Công ty. Đối với Điều lệ khi thành lập, do doanh nghiệp chưa được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp nên Điều lệ bắt buộc phải có chữ ký của những người góp vốn/ người đại diện theo ủy quyền của người góp vốn thành lập doanh nghiệp. Điều này thể hiện sự đồng ý các điều khoản đã thỏa thuận trong Điều lệ. Đối với điều lệ sửa đổi, bổ sung, do Công ty đã được thành lập, có tư cách pháp nhân, các chức năng, vị trí của mỗi người quản lý công ty đã rõ ràng, do vậy luật chỉ yêu cầu có chữ ký của một số người có thẩm quyền.

Tuy nhiên, cần phân biệt giữa thẩm quyền ký Điều lệ và thẩm quyền ban hành, sửa đổi, bổ sung Điều lệ Công ty sẽ khác nhau. Tùy thuộc từng loại hình doanh nghiệp mà thẩm quyền ban hành, sửa đổi, bổ sung Điều lệ sẽ khác nhau. Cá nhân hoặc cơ quan cao nhất trong cơ cấu tổ chức bộ máy Công ty sẽ có thẩm quyền ban hành, sửa đổi, bổ sung Điều lệ ví dụ như chủ sở hữu Công ty TNHH Một thành viên, Hội đồng thành viên Công ty TNHH hai thành viên trở lên, Đại hội đồng cổ đông Công ty cổ phần.

Trên đây là một số nội dung cơ bản về Điều lệ Công ty. Trong trường hợp muốn xây dựng Điều lệ phù hợp với đặc trưng hoạt động của Công ty mình, Quý khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi theo thông tin dưới đây:

CÔNG TY LUẬT TNHH ALADIN

Địa chỉ: Số 15E lô A10 Khu đô thị Nam Trung Yên, đường Nguyễn Chánh, phường Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội.

Hotline: 1900 57 57 73.