Những quy định về việc góp vốn của thành viên góp vốn trong Công ty TNHH 2 thành viên trở lên

Trang chủ > Thư viện pháp luật > Những quy định về việc góp vốn của thành viên góp vốn trong Công ty TNHH 2 thành viên trở lên

Những quy định về việc góp vốn của thành viên góp vốn trong Công ty TNHH 2 thành viên trở lên

Trong số các loại hình công ty hiện nay thì Công ty TNHH hai thành viên trở lên là một loại hình phổ biến và có nhiều ưu điểm khi hoạt động. Một trong những vấn đề nhiều người băn khoăn khi lựa chọn loại hình này là việc góp vốn vào Công ty. Trong phạm vi bài viết này Aladin Law đề cập đến nghĩa vụ góp vốn của các thành viên khi thành lập Công ty TNHH hai thành viên trở lên.

I. Căn cứ pháp lý:

1. Luật doanh nghiệp 2014;

2. Nghị định 50/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.

3. Các văn bản khác có liên quan.

II. Thời hạn góp vốn

Căn cứ theo quy định tại Khoản 2 Điều 48 Luật Doanh nghiệp 2014 thì: “Thành viên phải góp vốn phần vốn góp cho công ty đủ và đúng loại tài sản đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp”.

Như vậy, luật vẫn cho các thành viên góp vốn tự do thỏa thuận và quyết định số vốn góp cũng như lộ trình góp vốn, hoàn toàn tôn trọng quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, để tránh việc kê khai khống số vốn điều lệ gây ảnh hưởng đến hoạt động doanh nghiệp thì pháp luật chỉ giới hạn cho việc góp vốn trong thời hạn tối đa 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

III. Thực hiện quy định về việc góp vốn

1. Loại tài sản góp vốn

Các thành viên góp vốn có thể thỏa thuận với nhau về loại tài sản góp vốn trong công ty. Căn cứ theo quy định tại Điều 35 Luật Doanh nghiệp 2014 tài sản góp vốn: “Tài sản góp vốn có thể là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, các tài sản khác có thể định giá được bằng đồng Việt Nam”.

Các thành viên tự do lựa chọn loại tài sản góp vốn. Đối với các loại tài sản không bằng tiền thì trước khi góp vốn phải thực hiện việc định giá trên cơ sở đồng thuận của các thành viên hoặc trên cơ sở ý kiến tư vấn của tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp và được các thành viên chấp thuận. Ngoài ra, đối với các loại tài sản phải đăng ký quyền sở hữu thì khi góp vốn vào công ty phải thực hiện các thủ tục thay đổi thông tin người sở hữu theo quy định của pháp luật liên quan.

Căn cứ theo Khoản 2 Điều 48 Luật Doanh nghiệp 2014 trong thời hạn góp vốn nếu một trong các thành viên muốn thay đổi loại tài sản đã cam kết góp vốn thì phải được sự tán thành của đa số thành viên còn lại. Việc quy định như vậy một mặt thể hiện quyền tự quyết định của doanh nghiệp, mặt khác để đảm bảo cam kết của các thành viên có giá trị, mỗi thành viên cố gắng thực hiện đúng các cam kết. Trong một số trường hợp, loại tài sản góp vốn là một phần quan trọng khi thành lập và hoạt động doanh nghiệp, nếu không còn loại tài sản đó sẽ không còn đầy đủ ý nghĩa, do đó khi thay đổi phải đạt được sự đồng thuận đa số thành viên.

2. Ghi nhận quyền sở hữu vốn góp của thành viên trong Công ty TNHH hai thành viên trở lên.

Căn cứ theo Khoản 5 Điều 48 Luật Doanh nghiệp 2014 thì khi thành viên Công ty đã góp đủ vốn góp, Công ty phải cấp Giấy chứng nhận phần vốn góp cho thành viên tương ứng với giá trị phần vốn đã góp. Giấy chứng nhận phần vốn góp là văn bản do công ty phát hành nhưng phải có các nội dung chủ yếu sau:

a) Tên, mã số doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở chính của công ty;

b) Vốn điều lệ của công ty;

c) Họ, tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác đối với thành viên là cá nhân; tên, số quyết định thành lập hoặc mã số doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở chính đối với thành viên là tổ chức;

d) Phần vốn góp, giá trị vốn góp của thành viên;

đ) Số và ngày cấp giấy chứng nhận phần vốn góp;

e) Họ, tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của công ty.

Thành viên có trách nhiệm lưu giữ Giấy chứng nhận vốn góp làm căn cứ chứng minh về việc đã góp vốn. Trong trường hợp giấy chứng nhận phần vốn góp bị mất, bị hủy hoại, bị hư hỏng hoặc bị tiêu hủy dưới hình thức khác thì thành viên được Công ty cấp lại giấy chứng nhận vốn góp. Trình tự , thủ tục quy định tại Điều lệ Công ty (Khoản 6 Điều 48 Luật Doanh nghiệp 2014). Do đó, các thành viên phải thống nhất rõ nội dung về trình tự, thủ tục khi cấp Giấy chứng nhận vốn góp để làm cơ sở thực hiện.

3. Trách nhiệm pháp lý đối với thành viên khi không thực hiện các nghĩa vụ góp vốn như đã cam kết.

Tùy thuộc vào từng thời điểm và số vốn đã góp mà các thành viên sẽ có quyền và nghĩa vụ tương ứng, các trách nhiệm pháp lý đặt ra khác nhau.

Trong khoảng thời gian 90 ngày kể từ khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì thành viên góp vốn có nghĩa vụ phải góp đủ số vốn đã cam kết góp. Trường hợp chưa góp đủ thì thành viên chỉ có quyền và nghĩa vụ tương ứng với tỷ lệ phần vốn góp như đã cam kết góp (căn cứ Khoản 2 Điều 48 Luật Doanh nghiệp 2014).

Trong thời thời gian tối đa luật quy định phải góp đủ vốn mà có thành viên chưa góp hoặc chưa góp đủ thì trách nhiệm của thành viên và công ty như sau:

– Thành viên chưa góp vốn theo cam kết đương nhiên không là thành viên của công ty.

– Thành viên chưa góp đủ số vốn theo như đã cam kết chỉ có phần quyền tương ứng với phần vốn đã góp.

Thành viên chưa góp hoặc chưa góp đủ vốn vẫn phải chịu hoàn toàn trách nhiệm tương ứng với phần vốn đã cam kết góp với các nghĩa vụ tài chính của Công ty trong thời gian kể từ khi công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đến khi Công ty hoàn tất việc thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp về vốn điều lệ và phần vốn góp của thành viên.

– Hội đồng thành viên công ty có quyền được chào bán phần vốn góp của thành viên chưa góp theo quy định tương ứng của pháp luật. Đồng thời Công ty phải thực hiện việc điều chỉnh vốn điều lệ, tỷ lệ vốn góp của thành viên theo đúng số vốn đã góp trên thực tế trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày cuối cùng phải góp vốn theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp không đăng ký thay đổi vốn điều lệ với cơ quan đăng ký kinh doanh thì xem xét xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt từ 10.000.000 VND đến 20.000.000 VND đồng thời bị buộc phải điều chỉnh lại vốn điều lệ, tỷ lệ phần vốn của các thành viên theo tỷ lệ thực tế (Điều 28 Nghị định 50/2016/NĐ-CP).

Trên đây là một số nội dung về việc thực hiện nghĩa vụ góp vốn của thành viên trong Công ty TNHH hai thành viên trở lên. Để được tư vấn chi tiết cụ thể hơn, Quý khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi theo thông tin dưới đây:

CÔNG TY LUẬT TNHH ALADIN

Địa chỉ: Số 15E lô A10 Khu đô thị Nam Trung Yên, đường Nguyễn Chánh, phường Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội.

Hotline: 1900 57 57 73.