NGUYÊN TẮC PHÂN CHIA TÀI SẢN TRONG VỤ ÁN LY HÔN

Trang chủ > Thư viện pháp luật > NGUYÊN TẮC PHÂN CHIA TÀI SẢN TRONG VỤ ÁN LY HÔN

Thực tiễn tư vấn và tham gia vào các vụ án ly hôn cho Quý khách hàng, Aladin Law nhận thấy rằng việc phân chia tài sản của vợ và chồng khi ly hôn là một vấn đề phức tạp, đây là một quan hệ phái sinh mà Tòa án đồng thời phải giải quyết trong vụ án ly hôn (nếu đương sự có yêu cầu). Tính phức tạp của vấn đề này xuất phát từ các đặc tính pháp lý của tài sản, nguồn gốc tài sản, và đặc biệt là các căn cứ xác lập, thỏa thuận, định đoạt tài sản đôi khi là thỏa thuận riêng của hai vợ chồng mà không tuân theo những quy định của pháp luật.

Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 (Luật HNGĐ) và các văn bản hướng dẫn thi hành đã có những quy định tạo cơ sở pháp lý để giải quyết những tranh chấp về tài sản của vợ chồng khi ly hôn, nhằm đáp ứng các yêu cầu của thực tiễn và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho các đương sự. Bài viết dưới đây Aladin Law sẽ chia sẻ những nguyên tắc trong việc phân chia tài sản khi ly hôn.

I. Xác định tài sản chung của vợ chồng

Luật HNGĐ quy định tài sản chung của vợ và chồng là tài sản, nguồn thu nhập hợp pháp phát sinh trong thời kỳ hôn nhân (được tính từ ngày đăng ký kết hôn đến ngày chấm dứt hôn nhân), cụ thể như sau:

1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân (trừ trường hợp vợ chồng phân chia tài sản chung trong hôn nhân);

2. Tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung. Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng;

3. Khoản tiền thưởng, tiền trúng thưởng xổ số, tiền trợ cấp (Trừ trường hợp đó là Khoản trợ cấp, ưu đãi mà vợ, chồng được nhận theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; quyền tài sản khác gắn liền với nhân thân của vợ, chồng);

4. Tài sản mà vợ, chồng được xác lập quyền sở hữu theo quy định của Bộ luật Dân sự đối với vật vô chủ, vật bị chôn giấu, bị chìm đắm, vật bị đánh rơi, bị bỏ quên, gia súc, gia cầm bị thất lạc, vật nuôi dưới nước;

5. Thu nhập hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Đây là căn cứ để Tòa án và các bên xác định tài sản cần phân chia trong quá trình giải quyết ly hôn giữa vợ và chồng.

II. Nguyên tắc phân chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn

1. Pháp luật tôn trọng sự thỏa thuận giữa vợ và chồng (Khoản 1 Điều 59 Luật HNGĐ)

Tài sản của vợ chồng được chia như thế nào trước hết phụ thuộc vào chính ý chí của họ. Quan hệ pháp luật dân sự nói chung và quan hệ HNGĐ nói riêng đều tôn trọng quyền tự định đoạt của các chủ thể hay nói các khác là tôn trọng sự thỏa thuận của vợ chồng đối với tài sản chung khi ly hôn. Quá trình giải quyết tranh chấp chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn, vợ chồng có quyền thỏa thuận chia một phần hoặc toàn bộ khối tài sản chung. Tất nhiên, sự thoả thuận này phải phù hợp với quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình.

2. Đảm bảo sự bình đẳng về quyền sở hữu tài sản của vợ chồng (Khoản 2 Điều 59 Luật HNGĐ)

– Trên cơ sở của nguyên tắc vợ, chồng có quyền bình đẳng trong việc hưởng các quyền dân sự nói chung và quyền sở hữu tài sản nói riêng, trong trường hợp không có thỏa thuận phân chia tài sản, khi ly hôn, tài sản chung của vợ chồng được chia theo nguyên tắc chia đôi. Quy định này là hoàn toàn hợp lý vì hình thức sở hữu chung của vợ chồng là sở hữu chung hợp nhất, được sử dụng để đảm bảo nhu cầu đời sống chung của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.

– Tuy nhiên, để đảm bảo việc phân chia tài sản chung của vợ chồng được thực hiện công bằng, phù hợp thì cần xem xét đến các yếu tố sau:

+ Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;

+ Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;

+ Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;

+ Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.

3. Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật, nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị (Khoản 3 Điều 59 Luật HNGĐ)

– Áp dụng nguyên tắc này khi giải quyết việc phân chia tài sản, Tòa án sẽ ưu tiên việc giữ nguyên giá trị của các tài sản bằng cách phân chia theo hiện vật. Chỉ khi không thể phân chia được bằng hiện vật Tòa án mới thực hiện các biện pháp khác như bán đấu giá tài sản rồi phân chia hoặc một bên nhận tài sản và thanh toán phần chênh lệch cho bên còn lại.

– Nguyên tắc này giúp Tòa án chủ động hơn trong việc phân chia tài sản, một vấn đề rất phức tạp trong thực tiễn xét xử.

4. Đảo đảm quyền sở hữu tài sản riêng của vợ, chồng (Khoản 4 Điều 59 Luật HNGĐ)

– Nguyên tắc này hướng đến việc tôn trọng quyền sở hữu riêng của vợ và chồng, theo đó, tài sản riêng của vợ và chồng thuộc quyền sở hữu của người đó, trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung theo quy định của Luật HNGĐ.

5. Nguyên tắc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình (Khoản 4 Điều 59 Luật HNGĐ)

– Đây cũng làm một trong những nguyên tắc cơ bản của Luật HNGĐ mà các nhà làm luật hướng đến. Khoản 4 Điều 2 Luật HNGĐ quy định: “Nhà nước, xã hội và gia đình có trách nhiệm bảo vệ, hỗ trợ trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật thực hiện các quyền về hôn nhân và gia đình; giúp đỡ các bà mẹ thực hiện tốt chức năng cao quý của người mẹ; thực hiện kế hoạch hóa gia đình”

– Thực tiễn áp dụng nguyên tắc này, Tòa án sẽ xem xét đến các điều kiện để đưa ra các phán quyết hạn chế tối đa ảnh hưởng đển quyền và lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động… Ví dụ như quyết định việc con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi nếu người mẹ đủ điều kiện hoặc khi chia nhà ở là tài sản chung và là chỗ ở duy nhất của vợ chồng, trong trường hợp không chia được bằng hiện vật thì Tòa án xem xét và quyết định cho người vợ hoặc chồng trực tiếp nuôi con chưa thành niên, con bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự nhận hiện vật và thanh toán giá trị tương ứng với phần tài sản được chia cho người chồng hoặc vợ nếu người vợ hoặc chồng có yêu cầu v.v…

Các nguyên tắc trên đây sẽ đảm bảo cho việc giải quyết phân chia tài sản trong vụ án ly hôn của Tòa án được minh bạch, thấu tình đạt lý trên cơ sở bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự và tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành.