THẨM QUYỀN CỦA TÒA ÁN NHÂN DÂN TRONG TỐ TỤNG DÂN SỰ

Trang chủ > Thư viện pháp luật > THẨM QUYỀN CỦA TÒA ÁN NHÂN DÂN TRONG TỐ TỤNG DÂN SỰ

Công ty Luật TNHH Aladin xin gửi tới Quý bạn đọc, Quý khách hàng bài viết về Thẩm quyền của Tòa án nhân dân trong tố tụng dân sự.

Tòa án nhân dân (TAND) là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Để có cơ sở pháp lý cho TAND thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong việc thực hiện nhiệm vụ xét xử về dân sự, Pháp luật Tố tụng dân sự (TTDS) hiện hành quy định Tòa án nhân dân có quyền thụ lý và giải quyết những loại việc nhất định để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. Theo đó, thẩm quyền của Tòa án được xác định theo các căn cứ sau:

1. Thẩm quyền Tòa án theo vụ việc

– Thẩm quyền giải quyết tranh chấp theo loại việc là tổng hợp các loại vụ việc về dân sự mà Tòa án có thẩm quyền thụ lý và giải quyết theo thủ tục TTDS.

– Thẩm quyền của Tòa án theo vụ việc được quy định tại Bộ luật TTDS năm 2015 từ Điều 26 đến Điều 34, bao gồm:

+ Những tranh chấp về dân sự (Điều 26);

+ Những yêu cầu về dân sự (Điều 27);

+ Những tranh chấp về hôn nhân và gia đình (Điều 28);

+ Những yêu cầu về hôn nhân và gia đình (Điều 29);

+ Những tranh chấp về kinh doanh, thương mại (Điều 30);

+ Những yêu cầu về kinh doanh, thương mại (Điều 31);

+ Những tranh chấp về lao động (Điều 32).

Khác với Bộ luật TTDS năm 2004, Bộ luật TTDS năm 2015 có một quy định mở rộng phạm vi thẩm quyền của Tòa án đối với những tranh chấp dân sự. Tại khoản 9, Điều 25 Bộ luật TTDS năm 2004 quy định: “Các tranh chấp khác về dân sự mà pháp luật có quy định”, tức là Tòa án chỉ có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp khác về dân sự nếu có một văn bản pháp khác đang có hiệu lực thi hành quy định vụ việc đó thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Khác với điều này, tại khoản 14 Điều 26 Bộ luật TTDS năm 2015 quy định: “Các tranh chấp khác về dân sự, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật”. Quy định này chỉ loại trừ thẩm quyền của Tòa án đối với những tranh chấp thuộc thẩm quyền của cơ quan tổ chức khác theo quy định.

2. Thẩm quyền Tòa án theo cấp

– Theo quy định của Luật Tổ chức Tòa án năm 2014 quy định về hệ thống tổ chức Tòa án thì TAND cấp huyện và TAND cấp tỉnh có thẩm quyền xét xử sơ thẩm đối với các vụ tranh chấp dân sự.

– Thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp quận, huyện quy định tại các Điều 35, Điều 36 Bộ luật TTDS. Thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh được quy định tại các Điều 37, Điều 38 Bộ luật TTDS. Việc phân định Tòa án theo cấp quận huyện và cấp tỉnh dựa trên tính chất phức tạp của từng loại vụ việc, dựa vào điều kiện cơ sở vật chất, trình độ chuyên môn nghiệp vụ thực tế của đội ngũ cán bộ Tòa án.

3. Thẩm quyền Tòa án theo lãnh thổ

– Thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ đối với vụ án dân sự được xác định dựa trên ba căn cứ:

+ Là Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức;

+ Là Tòa án nơi nguyên đơn cư trú, làm việc, nếu nguyên đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức trong trường hợp các đương sự thỏa thuận về việc lựa chọn này;

+ Là Tòa án nơi có bất động sản.

– Ngoài ra, Bộ luật TTDS còn quy định thêm thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ đối với những việc dân sự, theo lựa chọn của nguyên đơn hoặc người yêu cầu (Khoản 2, Điều 39, Điều 40 Bộ luật TTDS).

Việc gửi đơn khởi kiện đến đúng Tòa án có thẩm quyền giải quyết là một yếu tố rất quan trọng để xem xét việc thụ lý vụ án. Nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác thì Tòa án sẽ trả lại đơn khởi kiện, nếu gửi đơn khởi kiện đến sai Tòa án có thẩm quyền xét xử theo cấp hay theo lãnh thổ thì sẽ phải chuyển đơn khởi kiện sang đúng Tòa án có thẩm quyền. Do đó, để tránh mất thời gian, công sức người khởi kiện phải hết sức chú ý đến vấn đề này để đảm bảo đơn khởi kiện của mình có thể được thụ lý nhanh chóng.