THỎA THUẬN TRỌNG TÀI VÔ HIỆU

Trang chủ > Thư viện pháp luật > THỎA THUẬN TRỌNG TÀI VÔ HIỆU

Xuất phát từ những ưu điểm như thủ tục nhanh gọn, thời gian giải quyết nhanh chóng,  phương thức giải quyết tranh chấp thông qua Trọng tài Thương mại được nhiều chủ thể lựa chọn trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, không giống như việc khởi kiện tại Tòa án là một quyền đương nhiên phát sinh được pháp luật ghi nhận thì việc lựa chọn Trọng tài để giải quyết tranh chấp cần có điều kiện nhất định, đó là hai bên trong quan hệ có thỏa thuận lựa chọn Trọng tài là cơ quan giải quyết tranh chấp.

Tuy nhiên, thực tế do một vài nguyên nhân mà thỏa thuận của Trọng tài bị vô hiệu, dẫn đến mong muốn của các bên không thể thực hiện được trên thực tế. Bài viết dưới đây Aladin Law Firm sẽ phân tích các trường hợp thỏa thuận trọng tài để khách hàng có cái nhìn chính xác hơn về vấn đề này.

I. Điều kiện để tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài

Như đã phân tích, không giống như việc khởi kiện tại Tòa án là một quyền đương nhiên phát sinh được pháp luật ghi nhận thì việc lựa chọn Trọng tài để giải quyết tranh chấp cần có điều kiện nhất định. Điều 5 Luật Trọng tài Thương mại 2010 quy định:

“1. Tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài nếu các bên có thoả thuận trọng tài. Thỏa thuận trọng tài có thể được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp.

2. Trường hợp một bên tham gia thoả thuận trọng tài là cá nhân chết hoặc mất năng lực hành vi, thoả thuận trọng tài vẫn có hiệu lực đối với người thừa kế hoặc người đại diện theo pháp luật của người đó, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.

3. Trường hợp một bên tham gia thỏa thuận trọng tài là tổ chức phải chấm dứt hoạt động, bị phá sản, giải thể, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách hoặc chuyển đổi hình thức tổ chức, thỏa thuận trọng tài vẫn có hiệu lực đối với tổ chức tiếp nhận quyền và nghĩa vụ của tổ chức đó, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.”

II. Những trường hợp thỏa thuận Trọng tài vô hiệu

Luật Trọng tài thương mại 2010 đã quy định rất rõ những trường hợp thỏa thuận trọng tài bị vô hiệu. Cụ thể như sau:

1. Tranh chấp phát sinh trong các lĩnh vực không thuộc thẩm quyền của Trọng tài.

Luật Trọng tài thương mại đã giới hạn các tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của Trọng tài. Bao gồm:

– Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại (Là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hóa (bao gồm tất cả các loại động sản, kể cả động sản hình thành trong tương lai; những vật gắn liền với đất đai), cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác);

– Tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại;

– Tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng Trọng tài.

Như vậy, trước khi các bên trong quan hệ thỏa thuận về điều khoản trọng tài cần xem xét đến việc lĩnh vực có thuộc thẩm quyền giải quyết của Trọng tài hay không?

2. Chủ thể xác lập thoả thuận Trọng tài không có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Quy định này được hiểu, chủ thể xác lập thỏa thuận trọng tài không phải là người đại diện theo pháp luật hoặc không phải là người được ủy quyền hợp pháp hoặc là người được ủy quyền hợp pháp nhưng vượt quá phạm vi được ủy quyền.

Tuy nhiên cần lưu ý rằng: Về nguyên tắc thỏa thuận trọng tài do người không có thẩm quyền xác lập thì thỏa thuận trọng tài đó vô hiệu. Trường hợp thỏa thuận trọng tài do người không có thẩm quyền xác lập nhưng trong quá trình xác lập, thực hiện thỏa thuận trọng tài hoặc trong tố tụng trọng tài mà người có thẩm quyền xác lập thỏa thuận trọng tài đã chấp nhận hoặc đã biết mà không phản đối thì thỏa thuận trọng tài không vô hiệu

3. Người xác lập thoả thuận trọng tài không có năng lực hành vi dân sự theo quy định của Bộ luật Dân sự.

Người không có năng lực hành vi dân sự được hiểu là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự hoặc người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.

Trong trường hợp này thì Tòa án sẽ thu thập chứng cứ để chứng minh người xác lập thoả thuận trọng tài không có năng lực hành vi dân sự thông qua các văn bản, giấy tờ, tài liệu chứng minh ngày tháng năm sinh hoặc kết luận của cơ quan có thẩm quyền hoặc quyết định của Tòa án xác định, tuyên bố người đó mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.

4. Hình thức của thoả thuận trọng tài không phù hợp.

a) Hình thức của thỏa thuận Trọng tài được xác lập thông qua:

– Điều khoản trọng tài được các bên thỏa thuận trong Hợp đồng;

– Văn bản thỏa thuận riêng.

b) Thoả thuận trọng tài phải được xác lập dưới dạng văn bản. Các hình thức thỏa thuận sau đây cũng được coi là xác lập dưới dạng văn bản:

– Thoả thuận được xác lập qua trao đổi giữa các bên bằng telegram, fax, telex, thư điện tử và các hình thức khác theo quy định của pháp luật;

– Thỏa thuận được xác lập thông qua trao đổi thông tin bằng văn bản giữa các bên;

– Thỏa thuận được luật sư, công chứng viên hoặc tổ chức có thẩm quyền ghi chép lại bằng văn bản theo yêu cầu của các bên;

– Trong giao dịch các bên có dẫn chiếu đến một văn bản có thể hiện thỏa thuận trọng tài như hợp đồng, chứng từ, điều lệ công ty và những tài liệu tương tự khác;

– Qua trao đổi về đơn kiện và bản tự bảo vệ mà trong đó thể hiện sự tồn tại của thoả thuận do một bên đưa ra và bên kia không phủ nhận.

Tuy nhiên, cần lưu ý một số trường hợp sau:

– Trường hợp có nhiều thỏa thuận trọng tài được xác lập đối với cùng một nội dung tranh chấp thì thỏa thuận trọng tài được xác lập hợp pháp sau cùng theo thời gian có giá trị áp dụng.

– Trường hợp thỏa thuận trọng tài có nội dung không rõ ràng, có thể hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau thì áp dụng quy định của Bộ luật dân sự để giải thích.

– Khi có sự chuyển giao quyền, nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch, hợp đồng mà trong giao dịch, hợp đồng đó các bên có xác lập thỏa thuận trọng tài hợp pháp thì thỏa thuận trọng tài trong giao dịch, hợp đồng vẫn có hiệu lực đối với bên được chuyển giao và bên nhận chuyển giao, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

– Việc gộp nhiều quan hệ pháp luật tranh chấp để giải quyết trong cùng một vụ kiện được thực hiện khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Các bên thỏa thuận đồng ý gộp nhiều quan hệ pháp luật tranh chấp vào giải quyết trong cùng một vụ kiện;

+ Quy tắc tố tụng trọng tài cho phép gộp nhiều quan hệ pháp luật tranh chấp vào giải quyết trong cùng một vụ kiện.

5. Một trong các bên bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép trong quá trình xác lập thoả thuận trọng tài và có yêu cầu tuyên bố thoả thuận trọng tài đó là vô hiệu.

– Căn cứ để xác định một bên bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép được quy định cụ thể tại Điều 4, Điều 132 Bộ luật Dân sự năm 2015. Cụ thể:

Điều 4. Nguyên tắc tự do, tự nguyện cam kết, thoả thuận

Quyền tự do cam kết, thoả thuận trong việc xác lập quyền, nghĩa vụ dân sự được pháp luật bảo đảm, nếu cam kết, thoả thuận đó không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội.

Trong quan hệ dân sự, các bên hoàn toàn tự nguyện, không bên nào được áp đặt, cấm đoán, cưỡng ép, đe doạ, ngăn cản bên nào.

Cam kết, thoả thuận hợp pháp có hiệu lực bắt buộc thực hiện đối với các bên và phải được cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác tôn trọng”.

Điều 132. Giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa

Khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa thì có quyền yêu cầu

Toà án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu.

Lừa dối trong giao dịch là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó.

Đe dọa trong giao dịch là hành vi cố ý của một bên hoặc người thứ ba làm cho bên kia buộc phải thực hiện giao dịch nhằm tránh thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của mình hoặc của cha, mẹ, vợ, chồng, con của mình”.

6. Thỏa thuận trọng tài vi phạm điều cấm của pháp luật”.

– Điều cấm của pháp luật là những  quy định của pháp luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định. (Điều 128 Bộ luật Dân sự năm 2015)

– Đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung giữa người với người trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng. (Điều 128 Bộ luật Dân sự năm 2015)

III. Thỏa thuận Trọng tài không thể thực hiện được

Bên cạnh những quy định liên quan đến thỏa thuận Trọng tài vô hiệu, thực tiễn còn cho thấy những trường hợp thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được do những nguyên nhân chủ quan hoặc khách quan nhất định. Cụ thể:

– Các bên đã có thỏa thuận giải quyết tranh chấp tại một Trung tâm trọng tài cụ thể nhưng Trung tâm trọng tài này đã chấm dứt hoạt động mà không có tổ chức trọng tài kế thừa, và các bên không thỏa thuận được việc lựa chọn Trung tâm trọng tài khác để giải quyết tranh chấp.

– Các bên đã có thỏa thuận cụ thể về việc lựa chọn Trọng tài viên trọng tài vụ việc, nhưng tại thời điểm xảy ra tranh chấp, vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan mà Trọng tài viên không thể tham gia giải quyết tranh chấp, hoặc Trung tâm trọng tài, Tòa án không thể tìm được Trọng tài viên như các bên thỏa thuận và các bên không thỏa thuận được việc lựa chọn Trọng tài viên khác để thay thế.

– Các bên đã có thỏa thuận cụ thể về việc lựa chọn Trọng tài viên trọng tài vụ việc, nhưng tại thời điểm xảy ra tranh chấp, Trọng tài viên từ chối việc được chỉ định hoặc Trung tâm trọng tài từ chối việc chỉ định Trọng tài viên và các bên không thỏa thuận được việc lựa chọn Trọng tài viên khác để thay thế.

– Các bên có thỏa thuận giải quyết tranh chấp tại một Trung tâm trọng tài nhưng lại thỏa thuận áp dụng Quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài khác với Quy tắc tố tụng trọng tài của Trung tâm trọng tài đã thỏa thuận và điều lệ của Trung tâm trọng tài do các bên lựa chọn để giải quyết tranh chấp không cho phép áp dụng Quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài khác và các bên không thỏa thuận được về việc lựa chọn Quy tắc tố tụng trọng tài thay thế.

– Nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ và người tiêu dùng có điều khoản về thỏa thuận trọng tài được ghi nhận trong các điều kiện chung về cung cấp hàng hoá, dịch vụ do nhà cung cấp soạn sẵn quy định tại Điều 17 Luật Trọng tài thương mại (Đối với các tranh chấp giữa nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ và người tiêu dùng, mặc dù điều khoản trọng tài đã được ghi nhận trong các điều kiện chung về cung cấp hàng hoá, dịch vụ do nhà cung cấp soạn sẵn thỏa thuận trọng tài thì người tiêu dùng vẫn được quyền lựa chọn Trọng tài hoặc Tòa án để giải quyết tranh chấp. Nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ chỉ được quyền khởi kiện tại Trọng tài nếu được người tiêu dùng chấp thuận) nhưng khi phát sinh tranh chấp, người tiêu dùng không đồng ý lựa chọn Trọng tài giải quyết tranh chấp.