Thẻ ABTC và những lưu ý khi sử dụng thẻ ABTC

Trang chủ > Thư viện pháp luật > Thẻ ABTC và những lưu ý khi sử dụng thẻ ABTC

APEC là Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á- Thái Bình Dương là diễn đàn của 21 nền kinh tế thành với mục tiêu tăng cường mối quạn hệ về kinh tế và chính trị. Để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nhân khi đi lại, thực hiện các hoạt động hợp tác kinh doanh, thương mại, đầu tư, dịch vụ hay tham dự các hội nghị, hội thảo và các mục đích kinh tế khác tại các nước và vùng lãnh thổ thuộc APEC, thẻ ABTC ra đời.

Thẻ ABTC là viết tắt của APEC Business Travel Card với ưu điểm lớn nhất là người mang thẻ ABTC, khi nhập cảnh, xuất cảnh các nước và vùng lãnh thổ có tên ghi trong thẻ thì không cần phải có thị thực của các nước và vùng lãnh thổ đó. Đôi khi thẻ ABTC còn được gọi là tấm vé thông hành quyền lực khi giúp người sở hữu thẻ này được miễn visa khi nhập cảnh tại 19 nền kinh tế các nước thành viên APEC (trừ Mỹ và Canada). Với tính chất đặc thù như trên nên khi sử dụng thẻ ABTC cần phải lưu ý những điều sau:

– Thẻ ABTC có giá trị sử dụng trong vòng 05 năm kể từ ngày cấp và không được gia hạn. Sau khi hết thời hạn, nếu vẫn có nhu cầu sử dụng thì phải làm thủ tục cấp mới.

– Mặc dù thẻ ABTC không được gia hạn nhưng được cấp lại trong trường hợp như: Thông tin hộ chiếu không còn chính xác (do được cấp mới, cấp đổi), Thẻ bị mất hoặc bị hỏng, …

– Thẻ ABTC chỉ có giá trị xuất cảnh, nhập cảnh khi mang thẻ xuất trình kèm theo hộ chiếu hợp lệ.

– Khi sử dụng thẻ ABTC để nhập cảnh cần đảm bảo mọi thông tin kê khai luôn đảm bảo là theo mục đích kinh doanh, tránh kê khai các lý do khác như thăm thân, du lịch, … đồng thời nên ghi nhớ địa chỉ làm việc của cơ quan đối tác, khách hàng cũng như hợp đồng kinh doanh mà mình đang triển khai.

– Chỉ lưu trú trong đúng thời hạn cho phép, nếu vượt quá thời hạn cho phép, nước sở tại sẽ có quyền tịch thu thẻ và trục xuất ra khỏi đất nước. Đồng thời, việc xin cấp mới/cấp lại thẻ ABTC của nước đó cho kỳ hạn tiếp theo sẽ bị ảnh hưởng hoặc không được chấp thuận.

– Tùy từng địa phương, Sở Ngoại vụ từng tỉnh có những quy định và biểu mẫu về việc Báo cáo tình hình sử dụng thẻ ABTC do đó các doanh nghiệp có nhân sự được cấp thẻ ABTC phải theo dõi nắm bắt thông tin, tổng hợp báo cáo kịp thời.

– Trong trường hợp mà người sở hữu thẻ ABTC đã chuyển công tác, thôi giữ chức vụ hoặc đã nghỉ việc, doanh nghiệp phải có trách nhiệm giữ lại thẻ và báo cáo ngay với các cơ quan có thẩm quyền, nơi doanh nghiệp nộp hồ sơ xin phép cho sử dụng thẻ ABTC để báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố ra quyết định thẻ không còn giá trị sử dụng, liên hệ và nộp lại thẻ đã cấp cho doanh nhân để Cục Quản lý Xuất nhập cảnh – Bộ Công an quản lý.

Các quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia chương trình thẻ ABTC bao gồm 19 nước sau: Úc, Brunei, Chile, Trung Quốc, Đặc khu hành chính Hong Kong, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, New Zealand, Papua New Guinea, Peru, Philippines, Singapore, Lãnh thổ Đài Loan, Thái Lan và Việt Nam.

Để có thể tìm hiểu sâu hơn về việc cấp, quản lý và sử dụng thẻ ABTC, doanh nghiệp có thể tìm hiểu tại các văn bản pháp luật như:

– Quyết định 45/2006/QĐ-TTg ngày 28/02/2006 của Thủ tướng Chính phủ Ban hành Quy chế cấp và quản lý thẻ đi lại của doanh nhân APEC.

– Quyết định số 54/2015/QĐ-TTg ngày 29/10/2015, sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế cấp và quản lý thẻ đi lại của doanh nhân APEC ban hành kèm theo Quyết định số 45/2006/QĐ-TTg ngày 28/02/2006 của Thủ tướng Chính phủ.

– Thông tư số 219/2016/TT-BTC ngày 10/11/2016 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam.

– Thông tư số 28/2016/TT-BCA ngày 05/7/2016 của Bộ Công an, hướng dẫn thực hiện Quy chế về việc cấp và quản lý thẻ đi lại của doanh nhân APEC.

Quý Khách hàng cần tư vấn thêm về việc cấp, quản lý và sử dụng thẻ vui lòng liên hệ với Aladin Law Firm qua Hotline 1900.575773.