1. Phục hồi hoạt động kinh doanh
Phục hồi hoạt động kinh doanh là một thủ tục trong quá trình giải quyết phá sản mà toà án có thể quyết định áp dụng sau khi có quyết định mở thủ tục phá sản, khi thoả mãn các điều kiện nhất định, nhằm mục đích đưa doanh nghiệp thoát khỏi tình trạng mất khả năng thanh toán.
Để thực hiện được việc phục hồi hoạt động kinh doanh phụ thuộc nhiều vào sự thiện chí của các chủ nợ, quan hệ mật thiết với việc doanh nghiệp có khả năng được áp dụng thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh hay không ?
2. Các giai đoạn thực hiện hoạt động phục hồi kinh doanh
1. Xây dựng và thông qua phương án phục hồi hoạt động kinh doanh
Chính mỗi doanh nghiệp là chủ thể nắm rõ các hoạt động kinh doanh của mình nhất, do đó doanh nghiệp phải có trách nhiệm xây dựng phương án phục hồi hoạt động kinh doanh để trình lên Hội nghị chủ nợ. Điều này cũng được luật định tại điều 87 Luật phá sản 2014 như sau:
“Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Hội nghị chủ nợ thông qua nghị quyết có nội dung áp dụng thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh thì doanh nghiệp mất khả năng thanh toán phải xây dựng phương án phục hồi hoạt động kinh doanh và gửi cho Thẩm phán, chủ nợ, Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản cho ý kiến”.
- Trình tự xây dựng phương án:
Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được phương án phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thì chủ nợ, Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản gửi ý kiến cho doanh nghiệp để hoàn thiện phương án phục hồi hoạt động kinh doanh.
Ngay sau khi nhận được phương án phục hồi hoạt động kinh doanh đã được doanh nghiệp bổ sung hoàn thiện, Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản có nhiệm vụ báo cáo Thẩm phán. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được phương án phục hồi hoạt động kinh doanh của Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản, Thẩm phán xem xét trước khi đưa phương án ra Hội nghị chủ nợ xem xét thông qua.
- Thông qua phương án:
Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày quyết định đưa phương án phục hồi hoạt động kinh doanh ra Hội nghị chủ nợ, Thẩm phán sẽ triệu tập Hội nghị chủ nợ để xem xét, thông qua phương án đó.
Điều kiện thông qua: Nghị quyết của Hội nghị chủ nợ thông qua phương án phục hồi hoạt động kinh doanh khi được quá nửa tổng số chủ nợ (không có bảo đảm) có mặt và đại diện cho từ 65% tổng số nợ (không có bảo đảm) trở lên biểu quyết tán thành.
Sau khi phương án phục hồi hoạt động khinh doanh của doanh nghiệp được Hội nghị chủ nợ thông qua, theo quy trình, Thẩm phán sẽ ra quyết định công nhận nghị quyết của Hội nghị chủ nợ để phương án phục hồi hoạt động kinh doanh đó đi vào triển khai trong thực tế. Nghị quyết này có hiệu lực với tất cả người tham gia thủ tục phá sản có liên quan.
- Một số lưu ý:
Trường hợp phương án phục hồi hoạt động kinh doanh có sử dụng tài sản bảo đảm thì phải quy định rõ thời gian sử dụng tài sản có bảo đảm, phương án xử lý tài sản bảo đảm và phải được chủ nợ có bảo đảm bằng tài sản đó đồng ý.
Trường hợp không tổ chức lại được Hội nghị chủ nợ hoặc Hội nghị chủ nợ không thông qua được nghị quyết về việc thông qua phương án phục hồi hoạt động kinh doanh thì Tòa án tuyên bố doanh nghiệp phá sản.
2. Nội dung phương án phục hồi hoạt động kinh doanh
Điều 88 Luật phá sản 2014 quy định trong nội dung phương án phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp phải nêu rõ các biện pháp để phục hồi hoạt động kinh doanh; các điều kiện, thời hạn và kế hoạch thanh toán các khoản nợ. Theo đó:
- Các biện pháp để phục hồi hoạt động kinh doanh bao gồm:
- Huy động vốn;
- Giảm nợ, miễn nợ, hoãn nợ;
- Thay đổi mặt hang sản xuất, kinh doanh;
- Đổi mới công nghệ sản xuất;
- Tổ chức lại bộ máy quản lý, sáp nhập hoặc chia tách bộ phận sản xuất;
- Bán cổ phần cho chủ nợ và những người khác;
- Bán hoặc cho thuê tài sản;
- Các biện pháp khác không trái quy định pháp luật.
- Thời hạn thực hiện phương án phục hồi hoạt động kinh doanh: Theo nghị quyết của Hội nghị chủ nợ. Trường hợp nghị quyết của Hội nghị chủ nợ không xác định thời hạn thì thời hạn thực hiện là không quá 03 năm kể từ ngày Hội nghị chủ nợ thông qua phương án phục hồi hoạt động kinh doanh.
3. Giám sát thực hiện phương án phục hồi hoạt động kinh doanh
Trong giai đoạn tiến hành các hoạt động phục hồi sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp chịu sự giám sát của những người có trách nhiệm liên quan bao gồm Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản và chủ nợ của chính họ. Điều này nhằm mục đích đảm bảo các mục tiêu đặt ra trong kế hoạch được thực hiện hiệu quả, và doanh nghiệp không thể tuỳ tiện thực hiện các hoạt động kinh doanh theo ý muốn của mình.
Ngoài ra, theo quy định pháp luật, sáu tháng một lần, doanh nghiệp phải lập báo cáo về tình hình thực hiện phương án phục hồi hoạt động kinh doanh của mình cho Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản và họ có trách nhiệm báo cáo Thẩm phán và thông báo cho chủ nợ (khoản 2 Điều 93 Luật phá sản 2014). Việc này là cần thiết để cho chủ nợ có thể theo dõi được quá trình thực hiện và triển khai kế hoạch phục hồi kinh doanh của con nợ.
4. Đình chỉ thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh
Theo quy định tại Điều 95 Luật phá sản 2014, Thẩm phán ra quyết định đình chỉ thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán nếu thuộc một trong các trường hợp:
- Doanh nghiệp đã thực hiện xong phương án phục hồi hoạt động kinh doanh;
- Doanh nghiệp không thực hiện được phương án phục hồi hoạt động kinh doanh;
- Hết thời hạn thực hiện phương án phục hồi hoạt động kinh doanh nhưng doanh nghiệp vẫn mất khả năng thanh toán.
Như vậy dù việc phục hồi doanh nghiệp thành công hay thất bại, quyết định đình chỉ thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp sẽ luôn phải được đưa ra để có cơ sở thực hiện những giai đoạn, phương án tiếp theo cho một doanh nghiệp đang trên con đường khôi phục lại hoạt động hoặc đến mức phải phá sản.